Phân tích bài thơ Quê hương của Đỗ Trung Quân – Văn học Lớp 6

Quê hương với mỗi người thật giản dị, thân thương. Yêu quê là yêu con đường đến trường, yêu những mái nhà tranh, yêu cánh đồng lúa chín...Nhà văn Ê-ren-bua đã từng nói: suối chảy vào sông, sông chảy ra biển, tình yêu tổ quốc bắt nguồn từ lòng yêu với những thứ thân thuộc quanh mình. Tình yêu đất nước bao giờ cũng bắt nguồn từ tình yêu quê chân thành, giản dị như thế. Có những so sánh hình ảnh quê hương thật gần gũi. Nhà thơ Đỗ Trung Quân chắc hẳn yêu quê lắm mới có những hình ảnh so sánh đẹp và dễ đi vào lòng người đến thế. Cùng Wikihoidap.org tìm hiểu nhiều hơn bài thơ này nhé!

Hướng dẫn giải bài Tập đọc Quê hương của Đỗ Trung Quân – Văn học Lớp 6

Câu 1

Nêu những hình ảnh gắn liền với quê hương (ba khổ thơ đầu).

Gợi ý: Em hãy đọc khổ thơ 1, 2, 3 và tìm những hình ảnh gắn với quê hương.

Trả lời:

Những hình ảnh gắn liền với quê hương là: chùm khế ngọt, đường đi học có bướm vàng bay, con diều biếc thả trên đồng, con đò nhỏ êm đềm khua nước ven sông, cầu tre nhỏ, hình ảnh mẹ che nghiêng nón lá, đêm trăng tỏ có hoa cau rụng.

Câu 2

Vì sao quê hương được so sánh với mẹ (khổ thơ cuối)?

Gợi ý: Quê hương che chở chúng ta từ thời tấm bé, mẹ là người sinh ra và nuôi nấng ta trưởng thành.

Trả lời:

Quê hương được so sánh với mẹ vì đó là nơi ta được sinh ra và được nuôi dưỡng, trưởng thành giống như mẹ đã sinh ra ta và đã chăm lo nuôi dạy ta thành người.

Câu 3

Em hiểu ý hai dòng cuối bài thơ như thế nào?

Trả lời:

Ai cũng phải có lòng yêu quê hương, phải có tình cảm gắn bó với quê hương. Nếu không yêu quê hương thì khác nào không yêu người mẹ đã sinh ra mình. Như vậy thì sao có thể trở thành người tốt được.

Nội dung: Tình yêu quê hương là tình cảm tự nhiên, sâu sắc. Tình yêu quê hương đã làm cho ta lớn lên và trưởng thành.

Bài văn tham khảo phân tích bài thơ Quê hương của Đỗ Trung Quân – Văn học Lớp 6:

Bất cứ một người Việt Nam nào cũng từng nghe và thuộc bài thơ Quê hương của Đỗ Trung Quân. Bài thơ đã được nhạc sĩ Giáp Văn Thạch phổ nhạc với ca từ không hề thay đổi, bằng giai điệu mượt mà, trữ tình, đằm thắm. Ai đã từng nghe một lần, không dễ gì quên được.

Ba khổ thơ đầu, với cấu trúc A là B, nhà thơ đưa ra một định nghĩa về quê hương theo cách của riêng mình :

– Quê hương là chùm khế ngọt

– Quê hương là đường đi học

– Quê hương là con diều biếc

– Quê hương là con đò nhỏ

– Quê hương là cầu tre nhỏ

– Quê hương là đêm trăng tỏ

Nhà thơ đã sử dụng biện pháp lặp từ ngữ, lặp cấu trúc ngữ pháp câu, biện pháp liệt kê, cấu trúc thơ vắt dòng rất đặc sắc. Khung cảnh làng quê trên mọi miền Tổ quốc Việt Nam hiện lên thân thương, giản dị mà xúc động lòng người. Những cặp câu thơ dần hiện lên như những thước phim quay chậm, cảnh vật có gần có xa, có mờ có tỏ, có lớn có nhỏ. Nhịp thơ đều đặn, nhịp nhàng, gần như cả bài thơ chỉ có một nhịp 2/4.

Cả ba khổ thơ với những câu thơ cùng một nhịp, kết cấu giống nhau nhưng vẫn nhẹ nhàng, thanh thoát vô cùng. Phải chăng, vẻ đẹp của những hình ảnh thơ đã làm cho người đọc quên đi hình thức bên ngoài của ngôn ngữ ? Nhà thơ đã biến cái không thể thành cái có thể, và được độc giả nồng nhiệt đón nhận bằng một sự đồng cảm rất tự nhiên. Quê hương là một khái niệm trừu tượng, nhà thơ đã cụ thể hoá nó bằng những hình ảnh sống động. Quê hương không thể tương đương với chùm khế ngọt, đường đi học rợp bướm vàng bay, con diều biếc thả trên cánh đồng, con đò nhỏ khua nước ven sông, cầu tre nhỏ, nón lá nghiêng che, đêm trăng tỏ, hoa cau rụng trắng ngoài hè… nhưng tất cả những điều đó lại làm nên một hình ảnh quê hương đẹp đẽ, lung linh, trọn vẹn và thiêng liêng. Người xưa nói : hãy xúc động hồn thơ để ngọn bút có thần. Với lòng yêu quê hương thiết tha, nhà thơ đã vẽ lên bức tranh quê hương mang hồn quê, cảnh quê, người quê bằng một ngọn bút có thần…

“Quê hương là chùm khế ngọt” – chùm khế ngọt nhỏ bé, ngọt mát, êm dịu, một thứ quà quê thanh đạm, bình dị, quá đỗi bình dị mà sao day dứt và ám ảnh ? Có lẽ vị ngọt thanh của khế làm mát dịu lòng ta, trái khế ngọt mang hương vị của ca dao cổ tích, dư vị thắm thiết của tình nghĩa con người. Đấy là quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn, nơi ta sinh ra và lớn lên, nơi nhũng người thân yêu của ta ở đó, nơi ta đã đi qua thời thơ dại với con đường đến trường rợp bướm vàng bay.

Hình ảnh con bướm vàng cũng là một hình ảnh thực và đặc sắc của làng quê mà ở thành phố không bao giờ thấy được. Nhà thơ Giang Nam nhớ về tuổi thơ “Có những ngày trốn học đuổi bướm cạnh cầu ao – Mẹ bắt được chưa đánh roi nào đã khóc”, nhà thơ Huy Cận nhớ “Một buổi trưa không biết ở thời nào – Như buổi trưa nhè nhẹ trong ca dao – Có cu gáy, có bướm vàng nữa chứ”, và nhà thơ thần đồng Trần Đăng Khoa viết bài thơ đầu tiên của mình là bài Con bướm vàng. Ở bài thơ Quê hương nêu trên, hình ảnh con đường đi học “rợp bướm vàng bay” đẹp như một giấc mơ, đẹp như trong truyện cổ tích vậy.

Bài thơ kết thúc bằng một hình ảnh so sánh mang ý nghĩa sâu sắc. Quê hương được so sánh với mẹ vì đó là nơi ta được sinh ra, được nuôi dưỡng lớn khôn, giống như người mẹ đã sinh thành nuôi ta khôn lớn trưởng thành. Vì vậy, nếu ai không yêu quê hương, không nhớ quê hương mình thì không trở thành một người tốt được. Lời thơ nhắc nhở mỗi chúng ta hãy luôn sống và làm việc có ích, hãy biết yêu quê hương xứ sở, vì quê hương là mẹ và mẹ chính là quê hương, vì “Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở – Khi ta đi, đất đã hoá tâm hồn” (Chế Lan Viên).