Quan hệ từ là gì? Phân biệt và vai trò quan hệ từ

Trong ngữ pháp tiếng Việt, quan hệ từ là một khái niệm quan trọng và một phần không thể thiếu khi đặt câu. Nó giúp câu văn và đoạn văn trở nên mượt mà, gãy gọn hơn và giúp người viết, người nói thể hiện rõ ràng ý mà mình muốn biểu đạt.

Bài viết dưới đây sẽ giúp quý bạn hiểu rõ hơn về quan hệ từ, cách sử dụng cũng như vai trò của nó. Bạn đọc lưu ý một số ví dụ cũng như trường hợp ngoại lệ có thể lược quan hệ từ, tránh nhầm lẫn trong việc sử dụng sau này.

1. Khái niệm và vài đặc điểm về quan hệ từ

Quan hệ từ được định nghĩa là những từ nối các đoạn, các câu hoặc các từ trong câu với nhau, giúp thể hiện quan hệ giữa các đoạn, các câu hoặc các từ đó. 

Chúng ta thường dùng quan hệ từ để nối từ với từ, vế câu với vế câu, câu với câu và đoạn văn với đoạn văn. Các mối quan hệ mà quan hệ từ biểu thị rất đa dạng, từ quan hệ so sánh, quan hệ sở hữu, quan hệ nhân quả đến quan hệ trái ngược.

2. Phân loại quan hệ từ như thế nào?

Để phân loại quan hệ từ, chúng ta có rất nhiều cách khác nhau. Kinhcan.vn sẽ giới thiệu với bạn đọc một số cách phân loại phổ biến nhất.

2.1. Phân loại quan hệ từ giữa trên mối quan hệ được biểu thị

Quan hệ từ được phân loại giữa trên chức năng của chúng hay cụ thể là mối quan hệ giữa các từ, các câu, các vế câu và các đoạn văn mà chúng biểu thị.

Có rất nhiểu kiểu mối quan hệ mà quan hệ từ có thể biểu diễn. Dưới đây là một số ví dụ về các mối quan hệ được biểu đạt nhờ quan hệ từ:

  • Mối quan hệ nguyên nhân - kết quả: Nhờ học tập chăm chỉ mà Trang đạt điểm cao trong kỳ thi học kỳ (cặp quan hệ từ “nhờ” - “mà”).
  • Mối quan hệ giả thiết - kết quả: Nếu ngày mai trời nắng, tôi sẽ đi du lịch biển với gia đình (quan hệ từ “nếu”).
  • Mối quan hệ tác động lẫn nhau: Chúng tôi vẫn giữ liên lạc với nhau qua điện thoại (quan hệ từ “với”).
  • Mối quan hệ phương tiện: Tôi viết bài bằng bút mực (quan hệ từ “bằng”).
  • Mối quan hệ ngang bằng: Minh học giỏi môn Toán và môn Văn (quan hệ từ “và”).
  • Mối quan hệ liệt kê, tăng tiến: Ngọc đã học rất chăm chỉ cho kỳ thi sắp tới. Không chỉ vậy, bạn còn giảng bài cho các bạn trong lớp để các bạn đều đạt kết quả tốt (quan hệ từ “không chỉ vậy”).

Hoặc: Loại thịt thường dùng để nấu phở là thịt bò. Các quán phở thường trụng thịt bò thái mỏng vào nước dùng trong khoảng thời gian rất ngắn rồi vớt ra luôn để có món phở bò tái thịt mềm, ngọt nước. 

Ngoài ra, thịt bò còn có thể nấu chín để tạo nên món phở chín, thường nấu cho trẻ em hoặc người yếu bụng.

(Quan hệ từ được dùng ở đoạn trên là “ngoài ra”).

  • Mối quan hệ tương phản: Mặc dù phải trải qua thời thơ ấu không mấy hạnh phúc nhưng cô ấy luôn giữ thái độ lạc quan (cặp quan hệ từ “mặc dù” - “nhưng”).

Hoặc: Tuy Anna đã cố gắng hết sức để ngăn cản anh trai nhưng anh ấy vẫn quyết tâm lao vào đám hỏa hoạn để lấy lại cuốn sách yêu thích (quan hệ từ “tuy” - “nhưng”).

  • Mối quan hệ sở hữu: Các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh được độc giả trẻ tuổi vô cùng yêu thích (quan hệ từ “của”).
  • Mối quan hệ mục đích: Cậu ấy cố gắng học tập chăm chỉ để đạt điểm cao trong bài kiểm tra môn Toán (quan hệ từ “để”).
  • Chỉ địa điểm: Ngày mai trời nắng nên tôi và các bạn trong lớp sẽ đi cắm trại ở bãi đá sông Hồng (quan hệ từ “ở” chỉ địa điểm, ngoài ra trong câu này còn có quan hệ từ “nên”, quan hệ từ “và”).

2.2. Phân loại quan hệ từ dựa trên sự phân cấp chính phụ của các bộ phận được nối

Ngoài ra, giống như từ ghép có từ ghép đẳng lập và từ ghép chính phụ, quan hệ từ cũng có phân ra quan hệ từ đẳng lập và quan hệ từ chính phụ.

Quan hệ từ đẳng lập dùng để nối các từ, các vế, các câu có vai trò ý nghĩa tương đương nhau, chẳng hạn từ “và” hay “với”.

Ngược lại, quan hệ từ chính phụ nối các bộ phận có quan hệ phụ thuộc, chẳng hạn cặp quan hệ từ “nếu” - “thì” biểu đạt quan hệ giả thiết - kết quả hoặc cặp quan hệ từ “tuy ” - “nhưng” biểu thị quan hệ trái ngược.

2.3. Phân loại quan hệ từ dựa trên số lượng quan hệ từ 

Chúng ta còn sử dụng cách phân loại khác, đó là quan hệ từ đơn và cặp quan hệ từ. Quan hệ từ đơn là quan hệ từ chỉ có một từ duy nhất, ví dụ “tuy nhiên”, còn cặp quan hệ từ được tạo bởi hai từ, ví dụ cặp quan hệ từ “nếu” - “thì”.

Có thể thấy, dù chọn cách phân loại nào thì quan hệ từ cũng đều được phân loại dựa trên chức năng của nó. Chức năng này có thể dựa theo mối quan hệ được biểu đạt hoặc theo bộ phận được nối.

3. Sử dụng quan hệ từ như thế nào là đúng và hiệu quả?

Cách sử dụng quan hệ từ tuy đơn giản nhưng nếu không chú ý phân tích rõ nguyên nhân và loại quan hệ từ cần sử dụng thì có thể dẫn đến dùng quan hệ từ chưa phù hợp. 

Trong nhiều trường hợp, điều này còn khiến người nghe và người đọc hiểu sai ý định của người nói, người viết. Do đó, chúng ta cần phân tích rõ mối quan hệ giữa các bộ phận được nối.

Ở các ví dụ trên, có thể thấy trong một câu có thể dùng nhiều quan hệ từ với ý nghĩa khác nhau, chẳng hạn quan hệ từ liệt kê “và” được sử dụng chung với cặp quan hệ từ chỉ nguyên nhân kết quả “vì” - “nên”.

Ngoài ra, cũng có một số trường hợp mà chúng ta có thể lược bớt quan hệ từ khi mối quan hệ giữa các bộ phận được nối đã rõ ràng, người đọc có thể tự hiểu.

Ví dụ, trong câu “Vì học bài chăm chỉ, cậu ấy đã thi đỗ trường Đại học mà cậu ao ước” đã lược quan hệ từ “nên” trong cặp quan hệ từ “vì” - “nên”, bởi mối quan hệ nhân quả ở đây đã rõ ràng.

Tuy nhiên chúng ta cần nhấn mạnh một lần nữa, việc lược quan hệ từ hay sử dụng đầy đủ phụ thuộc vào khả năng truyền tải đúng ý nghĩa đến người đọc. Điều này là vô cùng quan trọng, do đó chúng ta cần cân nhắc cụ thể trong từng trường hợp để lược bỏ cho đúng.

4. Vai trò của quan hệ từ trong diễn đạt nói riêng và trong tiếng Việt nói chung

Qua các ví dụ trên, ta có thể thấy việc thêm quan hệ từ sẽ giúp cho câu văn hay đoạn văn trở nên mượt mà, đồng thời ý định của người nói, người viết sẽ được biểu đạt rõ ràng, rành mạch hơn. 

Nếu không có quan hệ từ, câu văn hoặc đoạn dễ trở nên khó hiểu, khô cứng và không truyền tải được đầy đủ ý định của người nói hoặc người viết.

Dù vậy, giống như đã phân tích ở trên, có những trường hợp chúng ta bắt buộc sử dụng quan hệ từ cũng như có những trường hợp chúng ta có thể lược bớt quan hệ từ nếu nghĩa của câu đã rõ ràng.

Ví dụ, trong câu “Ngày mai, tôi sẽ làm việc ở nhà”, quan hệ từ “ở” bắt buộc xuất hiện, nếu không câu văn sẽ chuyển thành “Ngày mai, tôi sẽ làm việc nhà” làm nghĩa của câu thay đổi.

Ngược lại, trong câu “Mặc dù đã đi ngủ sớm nhưng tôi vẫn dậy muộn”, quan hệ từ “nhưng” có thể lược bỏ và thay bằng dấu phẩy mà vẫn giữ nguyên nghĩa của câu văn.

Điều này phụ thuộc vào từng trường hợp, bối cảnh giao tiếp cụ thể và năng lực biểu đạt của người viết cũng như năng lực hiểu của người đọc. Chúng ta cần xác định các yếu tố trên trong từng trường hợp cụ thể để sử dụng cho đúng.

LỜI KẾT

Có thể thấy rằng quan hệ từ là một loại kiến thức vô cùng quan trọng và có vai trò to lớn trong sử dụng tiếng Việt. Qua bài viết này, Kinhcan.vn hi vọng sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ về quan hệ từ và biết cách sử dụng quan hệ từ thật hiệu quả.