Anh hùng Nguyễn Văn Bảy, người hùng chân đất

Người xưa có câu, ‘thời thế tạo anh hùng’ trong một cuộc đời đầy gian truân hiểm nguy, thì sự chọc lọc của xã hội tạo ra những cá nhân kiệt xuất. Việt Nam là đất nước mà khi nhắc đến luôn nói những kỷ ức đau buồn về chiến tranh, nhưng trong bức tranh đầy khói lửa bom đạn đó, lại nổi lên những đốm sáng le lói khiến những người ngoại quốc phải kiêng nể, không ai khác đó là anh hùng Nguyễn Văn Bảy (tức Bảy A). Người con kiệt xuất của đất rừng phương Nam, là anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Trong bài viết này, cùng Wikihoidap tìm hiểu về người con của dân tộc này nhé!

Tiểu sử về Nguyễn Văn Bảy

Nguyễn Văn Bảy (1936 - 22 tháng 9 năm 2019), còn gọi Bảy A là Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, phi công Không quân Nhân dân Việt Nam. Ông là một trong mười chín phi công Việt Nam đạt cấp ‘Ace’ trong kháng chiến chống Mỹ, với thành tích lái MiG-17 bắn rơi 7 máy bay các loại của Mỹ. Ông cũng là phi công MiG-17 bắn rơi nhiều máy bay nhất.

‘Ace’: là thuật ngữ thông dụng trong hàng không quân sự dùng để chỉ các phi công đã bắn hạ từ 5 máy bay đối phương trở lên.

Nguyễn Văn Bảy tên thật là Nguyễn Văn Hoa là con thứ bảy trong gia đình. Do người Nam Bộ hay gọi theo thứ tự nên dần cái tên Nguyễn Văn Bảy thành tên chính. Ông sinh tại huyện Lai Vung, tỉnh Sa Đéc (nay là tỉnh Đồng Tháp).

Biệt danh Bảy A là để phân biệt với người đồng đội khác, là người con đất rừng ngập mặn, cũng tên là Nguyễn Văn Bảy. Một số báo chí thường nhầm lẫn phi công Bảy A là người đã tham gia trận chiến không đối hải với chiến hạm Highbee của Hải quân Hoa Kỳ. Người tham gia trận chiến đó cũng là một phi công tên là Nguyễn Văn Bảy quê ở Cà Mau, tức Bảy B, hy sinh năm 1972.

Cuộc đời binh nghiệp

Khoảng năm 1953, do không chịu lấy vợ theo ý gia đình, ông bỏ theo bộ đội, trở thành du kích khi 17 tuổi. Năm 1954, ông tại ngũ trong đơn vị Quân đội Nhân dân Việt Nam tập kết ra miền Bắc.

Năm 1960, ông được chuyển binh chủng từ bộ binh sang không quân, theo học lớp lái máy bay phản lực ở trường Hàng không Số 3 ở TP Cẩm Châu, tỉnh Liêu Ninh - nơi đào tạo lái máy bay tốt nhất nhì của Trung Quốc bấy giờ. Đoàn học viên của Việt Nam được đào tạo lái máy bay MiG-17, lúc đó có 34 người, tuyển chọn từ Nam chí Bắc. Trước đó, do học chưa hết lớp 3, phải học ở Trường bổ túc văn hóa Lạng Sơn và được phổ cập một lèo từ lớp 4 lên lớp 10. Ban đầu ông học lái máy bay Yak-52, sau đó chuyển dần lên Mig-15, Mig-17. Tháng 4 năm 1965, lớp đào tạo hoàn thành tốt nghiệp trở về nước, đáp máy bay xuống sân bay Gia Lâm. Ông Bảy được biên chế ở Trung đoàn không quân tiêm kích 923 và tham gia tham chiến trận đầu tiên trên vùng trời Bắc Sơn - Chi Lăng. 

Trong thời gian 1965-1968, ông Bảy tham chiến trên mặt trận không đối không và bắn hạ tổng cộng bảy máy bay Mỹ gồm hai chiếc F-105 và năm chiếc F-4, được xếp hạng "Ách". Ngoài ra được kết nạp Đảng viên Đảng Lao động Việt Nam. Tháng 4 năm 1966, ông tổ chức đám cưới với bà Trần Thị Niên là đồng hương, học sinh miền Nam tập kết ở sân bay Cát Bi. Sau đám cưới 45 phút thì chú rể lại lên máy bay xuất kích. "Đám cưới của tôi diễn ra trong 15 phút. Tôi cởi bộ đồ bay, mặc quần áo dân sự, làm lễ cưới rồi hút một điếu thuốc. Sau đó tôi quay lại đơn vị và chiến đấu liên tục trong 12 ngày trước khi gặp lại vợ", ông Bảy cho biết.

Ngày 1 tháng 1 năm 1967, ông được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Khi được tuyên dương, mang cấp bậc Thượng úy, Đại đội phó Đại đội 1 không quân, thuộc Trung đoàn 923, Bộ Tư lệnh Phòng không – Không quân.

Ông Bảy tham gia chiến đấu 13 trận, năm 1966 và 1967, 7 lần ông bóp cò thì 7 máy bay Mỹ bị bắn hạ. Chưa lần nào ông phải nhảy dù. Chiến công đầu tiên được xác lập vào ngày 21/6/1966, ông bắn hạ máy bay F8 Crusader của phi đội 211 do Cole Black điều khiển.

Thời gian sau đó, ông dần được thăng lên hàm Đại tá và giữ nhiều chức vụ trong Quân chủng như Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân 937, Phó Tư lệnh Sư đoàn 372, Phó tham mưu trưởng Quân chủng Không quân.

Năm 1975, ông chỉ huy tiếp quản sân bay Cần Thơ và tham gia điều hành các sân bay khác ở miền Nam như Tân Sơn Nhất, Biên Hòa, Cần Thơ và chỉ huy không quân làm nhiệm vụ tại Campuchia.

Năm 1989, nghỉ hưu, ông làm Trưởng ban liên lạc cựu chiến binh Không quân tại Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1990, ông chuyển về xã Tân Phú Đông, thị xã Sa Đéc, sống cảnh điền viên cùng gia đình. Đến năm 2009, thì gia đình ông chuyển về quê là ấp Hậu Thành, xã Tân Dương, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp làm nghề nông.

Năm 2010, ông ra Hà Nội dự Đại lễ nghìn năm Thăng Long, tham dự chương trình Thăng Long hồn thiêng sông núi – Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người.

Năm 2011, ông lại được lên báo khi trồng được củ khoai mỳ nặng 22,5 kg và được người dân trong vùng vui mừng nói: Anh hùng không quân bắn máy bay Mỹ và trồng khoai mỳ cũng anh hùng. Cuối năm 2015, ông có cuộc gặp gỡ với Thiếu tá phi công hải quân Charlie Plumb, người từng đụng độ với ông tại Quảng Yên ngày 24 tháng 4 năm 1967.

Thành tích binh nghiệp

Thuộc: Không quân Nhân dân Việt Nam

Năm tại ngũ: 1954-1990

Cấp bậc: Đại tá

Tham chiến: Chiến tranh Đông Dương

Chiến tranh: Việt Nam

Khen thưởng: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân

                         Huân chương Hồ Chí Minh

                         Huân chương Chiến công hạng Nhì, hạng Ba.

Các giai thoại gắn với con số 7

MiG-17 là loại máy bay đã rất lạc hậu vào thời điểm đó: không có radar và tên lửa, vận tốc tối đa chỉ đạt Mach 0,9, nó không thể sánh được với loại MiG-21 hoặc các tiêm kích đời mới của Hoa Kỳ. Song nhờ chiến thuật hợp lý, Nguyễn Văn Bảy đã giành được những thắng lợi đáng kể. Trong hai năm 1966-1967, ông đã lái chiếc MiG-17 xuất kích 94 lần, 13 lần nổ súng và bắn rơi 7 máy bay Mỹ. Không có phi công MiG-17 nào đã bắn rơi nhiều máy bay hơn ông, và ông cũng chưa bị bắn rơi lần nào. MiG-17 của anh hùng Bảy A hạ gục "Thần Sấm", "Con Ma" ngay trên bầu trời đất Việt, đánh thẳng vào sự tự tôn của không lực hùng mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ và cả hiện tại.

Sau năm 1967, theo chính sách giữ gìn phi công giàu kinh nghiệm, ông không tiếp tục chiến đấu mà được rút về làm công tác huấn luyện, đào tạo và truyền thụ kinh nghiệm cho lớp phi công mới.

Ông từng kể rằng: Tao toàn gặp số bảy: Tên Bảy, con thứ 7, đi bộ đội lúc 17 tuổi, học văn hóa 7 ngày lên 7 lớp, 7 lần bắn rơi 7 máy bay Mỹ bằng máy bay Mig 17, được phong Anh hùng năm 1967...

Cuộc sống sau thời gian hoạt động quân ngũ

Khác với một bộ phận đồng đội của ông, tiếp tục tham gia các hoạt động xây dựng đất nước và công tác huấn luyện. Anh hùng Nguyễn Văn Bảy lại chọn con đường vui thú điền viên, làm người nông dân chất phác như con người ở miền quê sông nước của ông. Sau khi nghỉ hưu, ông cùng gia đình chuyển về quê ở huyện Lai Vung sống bằng nghề nông, cái nghề đã nuôi sống ông suốt một thời thơ ấu.

Trong vườn của ông có nhiều loại cây ăn trái, hoa lá: cà phê, ca cao, đu đủ, vú sữa, hoa anh đào Nhật... Tất cả loại cây ông khoe xin được từ khắp các vùng miền. Trước và sau nhà ông là ao cá và ao sen. Đầm sen của gia đình ông rộng hơn 5.000 m2.

Khu vườn với ao cá, hồ sen, rặng mít bình dị của ông Bảy những năm sau này cũng trở thành một phần huyền thoại về người anh hùng. Hôm nay, những đồng đội của ông ai cũng nhắc về những buổi hội họp trong khu vườn ấy với con cá nướng trui, ly rượu "xây chừng" chỉ mới tháng trước, tuần trước. Tất cả tạo thành khu vườn trăm năm đầy mộc mạc chất phác như bản tánh lâu đời của người con Nam Bộ, tảo tần, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời.

Thiếu tướng Trần Văn Thi viết vào sổ tang: "Anh ra đi, chúng tôi mất một người anh, người chỉ huy, người phi công huyền thoại, dũng cảm, tài ba và rất chan hòa, giản dị, gương mẫu trong cuộc sống đời thường. Ai ai cũng biết tiếng anh và ngưỡng mộ anh. Lòng thương tiếc anh đều từ anh mà ra đó anh Bảy à...".

Lại có cả những người bạn viết lời "hẹn gặp" ông Bảy những ngày sau. Khu vườn trăm năm nơi chôn nhau cắt rốn của ông thì đang chờ ông về. Chuyến bay cuối cùng của cuộc đời vẫn theo hướng ông đã định: về đất mẹ.

Một ngày của ông Bảy bắt đầu từ 4h30 bằng việc dậy đi bộ tới nhà bạn cách đó khoảng 200 m để uống trà, cà phê cho tỉnh ngủ. 6h, ông dọn dẹp vườn tược, cho cá ăn, hoặc lội đầm hái sen. Đến 7h ông cùng gia đình ăn sáng sau đó tiếp tục làm việc cho đến 11h nghỉ ngơi, xem phim truyền hình. Công việc xoay vòng ngày này qua ngày khác. "Lao động là khỏe nhất", ông tâm sự. Ngay cả lúc về hưu, tinh thần của người lính Việt Minh luôn được phát huy qua các hoạt động đời sống thường nhật. Một cuộc sống đầy dung dị và đời thường.

Đại tá Nguyễn Văn Bảy, phi công anh hùng của Không quân Nhân dân Việt Nam, qua đời ngày 22/9 tại Bệnh viện Quân y 175, Bộ Quốc phòng, hưởng thọ 84 tuổi. Việt Nam đã mất đi một người con ưu tú, một người để thế hệ mai sau luôn khắc ghi về tinh thần thép, ý chí vững vàng. Mong thế hệ sau luôn ‘ôn cố, tri tân’ để tiếp tục xây dựng một đất nước Việt Nam vững mạnh.

Qua bài viết này, Wikihoidap.org đã cung cấp cho quý bạn đọc những thông tin hữu ích về vị anh hùng tài ba này. Mong các bạn sẽ noi gương học tập và chiến đấu của ông trong con đường học tập và sự nghiệp của mình. Chúc các bạn thành công!