Bản sắc văn hóa dân tộc là gì? Biểu hiện và ý nghĩa bản sắc văn hóa

Nhằm cung cấp kiến thức cơ bản về bản sắc văn hóa dân tộc và thúc đẩy hành động duy trì, phát huy văn hóa dân tộc của bạn đọc, Wiki hỏi đáp đã tổng hợp thông tin và trình bày cụ thể trong bài viết dưới đây.

Mỗi dân tộc đều sở hữu những nét văn hóa đặc sắc riêng dựa trên các sự kiện lịch sử, lối sống thường ngày của cư dân. Từ thời đại Hồng Bàng đến giai đoạn chủ nghĩa xã hội hiện nay, Việt Nam ta đã tích lũy nhiều phong tục văn hóa xã hội và tạo nên bản sắc văn hóa dân tộc riêng.

Nhằm cung cấp kiến thức cơ bản về bản sắc văn hóa dân tộc và thúc đẩy hành động duy trì, phát huy văn hóa dân tộc của bạn đọc, Wiki hỏi đáp đã tổng hợp thông tin và trình bày cụ thể trong bài viết dưới đây.

1. Bản sắc văn hóa dân tộc là gì?

Để có thể nghiên cứu sâu thêm về bản sắc văn hóa Việt Nam, trước hết chúng ta cần hiểu rõ khái niệm cơ bản về chủ điểm kiến thức này. Ở phần một, Wikihoidap sẽ chia nhỏ các cụm từ và giải nghĩa chi tiết về bản sắc văn hóa dân tộc.

1.1. Khái niệm bản sắc

Bản sắc là thuật ngữ chỉ tập hợp những khía cạnh tính cách đặc trưng của một cá thể, nhóm cộng đồng hoặc đoàn thể xã hội. Khác với căn tính hay đặc điểm nhận dạng, bản sắc là danh hiệu hoặc hình ảnh biểu trưng của cá thể, nhóm người cụ thể.

Những cá tính riêng biệt này bắt nguồn từ quá trình nhận dạng của chủ thể, nhằm tạo nên nét đặc sắc riêng so với đối tượng xung quanh.

Đặt dưới góc nhìn tâm lý xã hội, giáo sư Peter Weinreich cho rằng bản sắc liên hệ chặt chẽ đến các khái niệm bản thể, tính tự tin cá nhân và hình ảnh cá nhân. Thông qua quá trình phân tách bản sắc, chủ thể có khả năng khái quát bản thân ở từng giai đoạn khác nhau và định hướng cho sự phát triển trong tương lai.

1.2. Khái niệm văn hóa

Khái niệm văn hóa mang ý nghĩa nội hàm rất rộng, có thể giải nghĩa theo nhiều cách khác nhau căn cứ trên bối cảnh cụ thể. Trong đời sống hằng ngày, văn hóa thường được hiểu như phong cách sống, văn học nghệ thuật, ẩm thực, thơ ca, tôn giáo hoặc đức tin.

Tất cả những khía cạnh thuộc văn hóa đều có quan hệ mật thiết với đời sống tinh thần và vật chất của con người. Hệ thống giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể được phát minh bởi con người, sau đó bảo tồn và lưu truyền qua nhiều thế hệ.

Nhìn vào những nét văn hóa nổi bật của đối tượng, chúng ta có thể xác định cộng đồng hoặc đoàn thể mà cá nhân đó là thành viên trực thuộc.

1.3. Khái niệm bản sắc văn hóa dân tộc

Theo các chuyên gia, bản sắc văn hóa dân tộc đề cập đến hệ thống giá trị tinh thần, vật chất đặc trưng, tinh túy nhất của mỗi dân tộc. Những sắc thái riêng biệt ấy giúp chúng ta có thể phân biệt dân tộc này với dân tộc khác.

Văn hóa được sáng tạo ra bởi một nhóm cộng đồng nhất định, sau đó được lưu giữ và phát triển căn cứ trên hoàn cảnh thực tiễn về môi trường tự nhiên, đời sống xã hội hoặc sự kiện lịch sử cụ thể. Vì vậy, văn hóa mang tính dân tộc.

Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, những nét văn hóa dần in đậm vào đời sống thường ngày, lắng đọng và khái quát hóa thành bản sắc văn hóa dân tộc.

Không chỉ đại diện cho cội nguồn, ý thức, cá tính riêng của một dân tộc, bản sắc văn hóa còn là sợi dây kết nối các thành viên trong cộng đồng, tạo nền tảng cho sức mạnh và sự phát triển bền vững của dân tộc.

Mặc dù gắn với đặc tính tộc người và những nét truyền thống lâu đời, bản sắc dân tộc không bất biến mà sẽ có sự biến chuyển theo thời gian.

Những yếu tố văn hóa mới sẽ liên tục xuất hiện nhờ sự sáng tạo của con người, đồng thời giá trị cũ cũng được kế thừa một cách chọn lọc để phù hợp với thời kỳ phát triển mới.

2. Ý nghĩa của bản sắc văn hóa dân tộc

Bản sắc văn hóa dân tộc đóng vai trò quan trọng trong sự tồn vinh của quốc gia, tộc người. Những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể được coi như cội nguồn, biểu trưng đánh dấu sự hiện diện của một dân tộc.

Sở hữu bản sắc văn hóa riêng, dân tộc mới được công nhận và biết đến dưới tư cách là một cộng đồng riêng biệt với cá tính đặc trưng về lối sống, tín ngưỡng, phong tục tập quán, truyền thống.

Những yếu tố văn hóa này trường tồn theo những trang sử vẻ vang của dân tộc, đại diện cho khả năng sáng tạo, quá trình phát triển về nhận thức và căn tính dân tộc. Chính vì vậy, bản sắc văn hóa dân tộc là niềm tự hào và báu vật vô giá của mỗi quốc gia, dân tộc.

Thông qua trạng thái của bản sắc văn hóa, chúng ta còn cảm nhận được sức sống mạnh mẽ, sự thống nhất và tiềm năng phát triển của dân tộc đó. Những thành viên trong cộng đồng được gắn kết mật thiết với nhau nhờ chung bản sắc văn hóa.

3. Những biểu hiện của bản sắc văn hóa dân tộc

Để phân tích rõ hơn khái niệm bản sắc văn hóa dân tộc, Wikihoidap sẽ chỉ điểm cụ thể một số biểu hiện đặc trưng của lý thuyết này.

Theo cách hiểu khái quát, bản sắc văn hóa dân tộc được phân ra thành ba lớp biểu hiện chính. Những tầng biểu hiện này được liên kết chặt chẽ với nhau và tạo nên bản sắc văn hóa dân tộc hoàn chỉnh.

Khi xem xét bất kỳ bản sắc văn hóa của dân tộc nào, những nhà nghiên cứu cần phân tích đầy đủ các khía cạnh thuộc cả ba tầng biểu hiện dưới đây.

3.1. Bản chất văn hóa và nhận thức của con người

Tầng đầu tiên thuộc kết cấu bản sắc văn hóa gắn liền với bản chất văn hóa hoặc cách nhận thức của nhóm cộng đồng về sự vật, hiện tượng xung quanh. Hiểu một cách đơn giản hơn, bản sắc văn hóa dân tộc biểu hiện rõ nét trong nhân sinh quan của con người.

Những yếu tố này tạo nền tảng cho việc hình thành căn tính dân tộc, đồng thời cũng là nhân tố quan trọng chi phối các hoạt động trong đời sống hay các nét văn hóa khác.

Nhóm biểu hiện đầu tiên có tính ổn định, biểu trưng cho cá tính đặc trưng của dân tộc và mang tính truyền thừa qua nhiều thế hệ.

3.2. Phong cách sống, lý tưởng và quan điểm thẩm mỹ

Tầng thứ hai thuộc bản sắc văn hóa là tập hợp những khía cạnh liên quan đến lối sống, cách thức tư duy, lý tưởng chủ đạo và quan điểm thẩm mỹ của tộc người.

Những yếu tố này đóng vai trò trung gian nhằm kết nối tầng thứ nhất về bản chất với tầng thứ ba về biểu hiện trong đời sống thường ngày. Nhờ sợi dây liên kết ở tầng thứ hai, thế giới nhân sinh quan trừu tượng thể hiện hài hòa và thông suốt trong xã hội hiện tại.

Có thể nói, các yếu tố văn hóa ở tầng hai có tính linh hoạt và phong phú hơn do quá trình điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế.

3.3. Hành vi trong đời sống hàng ngày

Tầng cuối cùng thuộc bản sắc văn hóa dân tộc đề cập đến những biểu hiện cụ thể nhất trong đời sống hằng ngày gồm hệ thống ký hiệu ngôn ngữ, nét nghệ thuật đặc trưng, thơ ca, kho tàng kiến trúc, ca dao tục ngữ, nền ẩm thực hay trang phục truyền thống.

Lớp biểu hiện này chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất từ bối cảnh thực tế và môi trường xung quanh. Những yếu tố thuộc tầng thứ ba vừa thể hiện sự kế thừa truyền thống cha ông, vừa minh họa sự biến chuyển, sáng tạo của thế hệ hiện tại.

4. Phân biệt bản sắc văn hóa và sắc thái văn hóa

Do mang nhiều điểm chung trong ý nghĩa biểu hiện, hai khái niệm bản sắc văn hóa và sắc thái văn hóa thường bị trộn lẫn với nhau. Tuy nhiên, chúng ta có thể dựa trên một số đặc điểm cơ bản dưới đây để phân biệt hai khái niệm trên.

4.1. Yếu tố đặc trưng

Thứ nhất, bản sắc văn hóa và sắc thái văn hóa đặc trưng cho hai yếu tố khác nhau. Nếu bản chất văn hóa đại diện cho bản chất văn hóa thì sắc thái văn hóa đại diện cho các hiện tượng văn hóa cụ thể.

Bản chất văn hóa đề cập sâu hơn đến nguồn gốc hình thành của nét văn hóa đó, còn sắc thái chỉ dừng lại ở việc mô tả những biểu hiện bên ngoài, tạm thời mà người ta quan sát thấy.

4.2. Nội dung thể hiện

Tương tự, bản sắc văn hóa chỉ những ý nghĩa ẩn chứa sau mỗi hành động, sự vật, phong tục của cộng đồng. Mặt khác, sắc thái văn hóa minh họa những khía cạnh hình thức bên ngoài.

Chẳng hạn, trong phong tục ma chay của người Việt, sắc thái văn hóa đề cập đến những tục lệ, truyền thống lễ nghi cần tuân thủ như đeo khăn tang, lời niệm. Bản sắc văn hóa sẽ bao quát cả lớp ý nghĩa sâu xa đằng sau từng hành động đó.

4.3. Tính chất

Bản sắc văn hóa đề cập đến những giá trị tồn tại trường tồn theo quá trình hình thành và phát triển của dân tộc. Trái lại, sắc thái văn hóa có thể chỉ mang tính tương đối trong một thời điểm, giai đoạn lịch sử dựa trên điều kiện kinh tế - xã hội cụ thể.

5. Bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam trong thời đại toàn cầu hóa

Dựa vào lý thuyết về khái niệm và kết cấu được nêu ra trong các phần trên, bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam đề cập đến nét đẹp đặc trưng, cá tính riêng biệt thuộc về người Việt.

Những yếu tố đặc trưng cho gốc gác lâu đời của dân tộc ta, tạo nên nét khác biệt và dấu ấn Việt Nam trên bản đồ chung của thế giới. Đây là những giá trị quan trọng được kế thừa, chọn lọc và phát triển xuyên suốt quá trình hình thành và phát triển của dân tộc Việt Nam.

5.1. Hiện trạng

Tốc độ nhanh chóng của tiến trình toàn cầu hóa và hiện đại hóa kinh tế - xã hội đang gây ra nhiều thách thức cho công cuộc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Những nét văn hóa truyền thống chịu sự tác động mạnh mẽ do sự du nhập của những nền văn hóa khác, làm mọc lên hiện tượng hòa trộn và mai một giá trị gốc rễ ban đầu.

Thực tế, nhiều dân tộc trên thế giới đã bị đồng hóa và mất đi bản sắc riêng về ngôn ngữ, ký hiệu, phục trang, phong tục tập quán.

Ở Việt Nam, vấn đề mai một văn hóa càng trở nên trầm trọng hơn do sự thiếu hoạch định trong chính sách đầu tư công của nhà nước, sự yếu kém trong công tác quản lý và truyền thông về văn hóa dân tộc.

Do tổn thất nghiêm trọng từ chiến tranh, Nhà nước ta ban đầu luôn chủ trương tập trung đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Vì vậy, hệ quả là sự mất cân bằng cho việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Những đình chùa, miếu mạo hoặc các hoạt động văn hóa dân gian phải nhường chỗ cho các công trình mới hiện đại, hội nghị quốc tế nhằm phục vụ cho sự tăng trưởng kinh tế nước nhà.

Đặc biệt, sự bùng nổ của mạng xã hội và kho thông tin trực tuyến khiến giới trẻ ngày nay bị cuốn hút vào những biểu hiện văn hóa hào nhoáng, mới lạ từ các quốc gia lớn mạnh mà bỏ quên những nét truyền thống, giá trị lâu đời của ông cha ta truyền lại.

Người trẻ dễ bị cuốn theo những hiện tượng văn hóa này do sự thiếu định hướng, giáo dục đúng đắn từ nhà trường, gia đình và cộng đồng xung quanh.

5.2. Tầm quan trọng của việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc

Một dân tộc thiếu đi bản sắc văn hóa thì sẽ dễ bị đồng hóa vào các quốc gia, dân tộc khác; không còn được công nhận như một cộng đồng riêng. Những yếu tố này đều được lưu giữ và đúc kết qua thời gian phát triển dài của ông cha ta.

Bản sắc văn hóa không chỉ đại diện cho cội nguồn dân tộc mà còn gắn kết cộng đồng trở nên đoàn kết, thúc đẩy sự phát triển lẫn nhau.

Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi cá nhân nhằm đảm bảo sức sống bền vững và sự phồn vinh của nước nhà.

6. Trách nhiệm trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam

Tất cả mỗi công dân Việt Nam đều phải có ý thức rõ về trách nhiệm và nghĩa vụ của mình trong việc bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc trong thời đại hiện nay.

Đây là một công cuộc cần tiến hành lâu dài, đồng thời và thống nhất giữa mọi tầng lớp từ cơ quan Nhà nước, cơ sở giáo dục và mỗi cá nhân học sinh, sinh viên.

6.1. Từ phía chính phủ Việt Nam

Đảng và Nhà nước ta đã khẳng định rõ trong các Nghị quyết, Đường lối phát triển giai đoạn hiện nay rằng văn hóa là nền tảng chủ đạo cho sự phát triển của dân tộc.

Từ đó, mỗi cơ quan ban ngành đều cần đưa ra những chính sách cụ thể và thiết thực để tuyên truyền, thúc đẩy việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Không chỉ tập trung đầu tư cải tạo các cơ sở văn hóa, những chính sách cấp thiết để tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống cũng cần được tiến hành kịp thời.

6.2. Từ phía các cơ sở giáo dục

Nhà trường là nhân tố định hướng học sinh, sinh viên - lớp thế hệ trẻ quyết định sự tồn vinh của dân tộc Việt Nam trong tương lai. Công cuộc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc cần sự đóng góp tích cực từ phía các cơ sở giáo dục.

Những chương trình, cuộc thi liên quan đến văn hóa dân tộc cần được tiến hành thường xuyên và lan tỏa sâu rộng đến tất cả mọi sinh viên, học sinh từ tiểu học đến đại học.

Những giá trị văn hóa truyền thống cũng cần được kết hợp vào chương trình học một cách hợp lý nhằm định hướng các em học sinh hiểu đúng và có cách thức ứng xử phù hợp với các nét văn hóa truyền thống.

6.3. Từ phía cá nhân học sinh, sinh viên

Ở cương vị học sinh, mỗi bạn học cần ý thức rõ vai trò và trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.

Mỗi cá nhân cần chủ động tìm hiểu, trau dồi kiến thức về văn hóa truyền thống, đồng thời tích cực tham gia vào các chương trình liên quan đến phát triển văn hóa dân tộc.

Trong quá trình hội nhập hoặc tiếp xúc với nền văn hóa mới, mỗi bạn học cần tự điều chỉnh hành vi, tiếp thu có chọn lọc để làm giàu đẹp thêm bản sắc văn hóa dân tộc thay vì bão hòa, mai một truyền thống cha anh.

Bên cạnh đó, bản thân mỗi người cần là cầu nối, kênh tuyên truyền bản sắc văn hóa dân tộc đến với bạn bè quốc tế, thúc đẩy sự phát triển rực rỡ của văn hóa dân tộc Việt Nam.

Học sinh, sinh viên có thể tự sản xuất các sản phẩm về văn hóa như tranh vẽ, phim truyện, kịch, phong trào xã hội để lan tỏa các nét đẹp văn hóa Việt Nam đến bạn bè năm châu.

LỜI KẾT

Tóm lại, bản sắc văn hóa dân tộc là bảo vật vô giá cần được chú trọng giữ gìn và phát huy xuyên suốt quá trình hình thành và phát triển. Wiki hỏi đáp mong rằng thông qua bài viết trên, bạn học đã hiểu rõ hơn về bản sắc văn hóa dân tộc và có những hành động phù hợp để đóng góp cho sự tồn vinh của đất nước.