Hiện tượng nguyệt thực là gì? Bí mật thú vị về hiện tượng nguyệt thực

Xưa nay khi nghe đến hiện tượng gấu ăn trăng hay hiện tượng nguyệt thực, con người ta thường nghĩ đến những câu chuyện kỳ bí xung quanh nó cũng như là những câu chuyện dân gian xoay quanh hiện tượng này. Vậy nguyệt thực là gì? Cơ chế xảy ra? Cùng Wikihoidap.org tìm hiểu nhé!

Hiện tượng nguyệt thực là gì?

Nguyệt thực là hiện tượng thiên văn khi Mặt Trăng đi vào hình chóp bóng của Trái Đất, đối diện với Mặt Trời. Điều này chỉ có thể xảy ra khi Mặt Trời, Trái Đất và Mặt Trăng thẳng hàng hoặc xấp xỉ thẳng hàng với nhau, với Trái Đất ở giữa. Do vậy, nguyệt thực chỉ có thể xảy ra vào những ngày trăng tròn. Kiểu và chiều dài của nguyệt thực phụ thuộc vào vị trí của Mặt trăng so với các điểm nút quỹ đạo của nó.

Không giống như nhật thực, mà chỉ có thể được nhìn thấy từ một khu vực tương đối nhỏ trên thế giới, nguyệt thực có thể được nhìn từ bất cứ nơi nào ở nửa tối của trái đất. Nguyệt thực kéo dài trong vài giờ, trong khi nhật thực toàn phần chỉ kéo dài trong vài phút tại bất kỳ vị trí nào do kích thước nhỏ hơn của bóng của Mặt trăng. Không giống như nhật thực, nguyệt thực có thể quan sát một cách an toàn bằng mắt thường vì hình ảnh nguyệt thực mờ hơn so với hình ảnh mặt trăng đầy đủ.

Các pha Mặt Trăng

Mặt Trăng là một vật thể đá lạnh lẽo có đường kính khoảng 3476 km. Bản thân Mặt Trăng không tự phát sáng, chúng ta nhìn thấy Mặt Trăng sáng là do nó phản xạ ánh sáng Mặt Trời từ bề mặt. Mặt Trăng có quỹ đạo quanh Trái Đất khoảng 29,5 ngày. Khi nó di chuyển trên quỹ đạo quanh hành tinh của chúng ta, sự thay đổi vị trí của Mặt Trăng so với Mặt Trời khiến cho vệ tinh tự nhiên này lần lượt trải qua các pha: Trăng mới (sóc), trăng lưỡi liềm đầu tháng (trăng non), trăng bán nguyệt đầu tháng (trăng thượng huyền), trăng khuyết đầu tháng (trăng trương huyền tròn dần), trăng tròn, trăng khuyết cuối tháng (trăng trương huyền khuyết dần), trăng bán nguyệt cuối tháng (trăng hạ huyền), trăng lưỡi liềm cuối tháng (trăng tàn), cuối cùng là pha trăng tối (không trăng).

Pha trăng mới thực tế không nhìn thấy được vì phần được chiếu sáng của Mặt Trăng đang hướng ra ngoài. Các pha còn lại đều quen thuộc với tất cả chúng ta khi mà chu kỳ Mặt Trăng lặp lại đều đặn hàng tháng.

Có nhiều nền văn minh cổ đại sử dụng chu kỳ tháng Mặt Trăng để đong đếm thời gian. Trong thực tế, một vài bộ lịch được xây dựng dựa trên các pha của Mặt Trăng. Lịch của người Do Thái cổ, Hồi giáo, Trung Quốc, và cả Việt Nam đều là lịch Mặt Trăng. Người Việt Nam thường gọi đó là âm lịch.

Pha trăng tròn thường được xem là pha của tình yêu và lãng mạn. Khi Mặt Trăng tròn, nó sẽ mọc khi Mặt Trời lặn, hiện diện suốt đêm dài, và lặn khi Mặt Trời mọc vào ngày hôm sau. Không có một pha Mặt Trăng nào có được đặc trưng này. Điều này xảy ra bởi vì Mặt Trăng ở vị trí đối diện với Mặt Trời trên bầu trời khi nó ở pha trăng tròn. Trăng tròn có ý nghĩa đặc biệt đối với hiện tượng nguyệt thực.

Phân loại các kiểu nguyệt thực

Có 3 loại nguyệt thực như sau:

  • Nguyệt thực toàn phần.
  • Nguyệt thực một phần.
  • Nguyệt thực nửa tối.

Nguyệt thực toàn phần

Hiện tượng này xảy ra khi Mặt Trăng đi vào vùng bóng tối (Umbra) của Trái Đất. Khi đó, Mặt Trăng sẽ bị che khuất hoàn toàn.

Khi hiện tượng nguyệt thực toàn phần diễn ra, chỉ có các tia Mặt Trời có bước sóng dài (đỏ, cam) chiếu tới Mặt Trăng, các tia sáng bước sóng ngắn đã bị bầu khí quyển ở vùng rìa Trái Đất cản lại hết. Mặt Trăng phản xạ lại ánh sáng đỏ, cam này, khi quan sát từ Trái Đất chúng ta sẽ thấy Mặt Trăng có màu đỏ tối. Hiện tượng này được gọi là trăng máu.

Nguyệt thực nửa tối

Hiện tượng này xảy ra khi Mặt Trăng đi vào vùng bóng nửa tối (Penumbra) của Trái Đất nên độ sáng của hành tinh này chỉ giảm đi một chút. Nguyệt thực bán phần rất khó quan sát được bằng mắt thường.

Nguyệt thực một phần

Hiện tượng thiên văn này xảy ra khi Mặt Trời, Trái Đất và Mặt Trăng nằm trên đường gần thẳng. Khi đó, Mặt Trăng bị khuyết đi một phần do chỉ có một phần ở vùng bóng tối của Trái Đất.

Tần suất nguyệt thực và các lần nguyệt thực tiếp theo

Nguyệt thực nửa tối thường không được quan tâm bởi vì chúng rất khó để quan sát. Nếu chúng ta chỉ quan tâm đến nguyệt thực một phần và nguyệt thực toàn phần, vậy thì chúng có xảy ra thường xuyên không?

Trong quãng thời gian khoảng 5000 năm từ năm 2000 trước Công nguyên cho đến năm 3000 sau công nguyên, chúng ta có tổng cộng 7718 nguyệt thực. Thực tế thì số lần nguyệt thực trong một năm có thể nằm trong khoảng từ 0 đến 3 lần. Lần cuối cùng có 3 lần nguyệt thực toàn phần xảy ra trong một năm dương lịch là 1982. Các nguyệt thực một phần thì xuất hiện thường xuyên hơn.