NFC là gì? Công nghệ kết nối không dây NFC có thực sự hữu ích

Hiện nay, một trong những công nghệ đang làm mưa làm gió và trở thành tâm điểm của sự chú ý trên điện thoại chính là NFC. Tuy nhiên, rất nhiều người vẫn còn mơ hồ về công nghệ này và chưa hiểu NFC thực chất là gì cũng như chức năng và tính khả dụng của nó trong cuộc sống ra sao.

NFC thực chất là gì

Trong bài viết dưới đây, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về NFC là gì? Công nghệ không dây NFC có thực sự hữu ích.

NFC là gì?

NFC là viết tắt của Near-Field Communications, là công nghệ kết nối không dây phạm vi tầm ngắn trong khoảng cách 4cm, sử dụng cảm ứng từ trường để thực hiện kết nối giữa các thiết bị khi có sự tiếp xúc trực tiếp hay để gần nhau. Công nghệ này được phát triển dựa trên nguyên lý nhận dạng bằng tín hiệu tần số vô tuyến (Radio-frequency identification - RFID), hoạt động ở dải băng tần 13.56 MHz và tốc độ truyền tải dữ liệu tối đa 424 Kbps.

Giao dịch qua công nghệ NFC được đánh giá là an toàn bởi khoảng cách truyền dữ liệu khá ngắn. NFC thường được trang bị trên các thiết bị điện thoại di động bởi nó có thể giao tiếp với các thẻ thông minh, đầu đọc thẻ hoặc thiết bị NFC tương thích khác. Ngoài ra, NFC còn được kết hợp nhiều công nghệ sử dụng trong các hệ thống công cộng như bán vé, thanh toán hóa đơn…

NFC là gì?

Lịch sử phát triển của NFC

Cha đẻ của phát minh đầu tiên gắn liền với công nghệ RFID (1983) là Charles Walton. Cho đến năm 2004, Nokia, Philips và Sony thành lập Diễn đàn NFC (NFC Forum). Có thể nói, sự ra đời của NFC Forum đóng vai trò rất lớn trong sự phát triển của công nghệ NFC, khuyến khích người dùng chia sẻ, kết hợp và thực hiện giao dịch giữa các thiết bị NFC. Đặc biệt, đối với các nhà sản xuất thì NFC là tổ chức khuyến khích phát triển và cấp chứng nhận cho những thiết bị tuân thủ tiêu chuẩn NFC. NFC Forum là nơi tập trung rất nhiều những thương hiệu lớn và đến nay đã có tổng cộng 140 thương hiệu nổi tiếng tham gia như: LG, Nokia, HTC, Motorola, RIM, Samsung, Sony Ericsson, Google, Microsoft,…

Năm 2006, NFC Forum bắt đầu thiết lập cấu hình cho các thẻ nhận dạng NFC (NFC tag) và cũng trong năm này, Nokia đã cho ra đời chiếc điện thoại hỗ trợ NFC đầu tiên là Nokia 6131. Tháng 1/2009, NFC công bố tiêu chuẩn Peer-to-Peer để truyền tải các dữ liệu như danh bạ, địa chỉ URL, kích hoạt Bluetooth, v.v...

Lịch sử phát triển của NFC

Năm 2010, với sự phát triển thành công của hệ điều hành Android thì chiếc Smartphone thế hệ 2 của Google là Nexus S đã trở thành chiếc điện thoại Android đầu tiên hỗ trợ NFC. Cuối cùng, tại sự kiện Google I/O năm 2011, NFC một lần nữa chứng tỏ tiềm năng của mình với khả năng chia sẻ không chỉ danh bạ, địa chỉ URL mà còn là các ứng dụng, video và game.

Ứng dụng thanh toán di động hỗ trợ NFC ở Nhật Bản đã phát triển từ rất sớm song ở những nơi khác trên thế giới mới chỉ thử nghiệm trong thời gian gần đây, đặc biệt là ở các quốc gia châu Âu và một vài vùng ở Mỹ.

Nguyên lý hoạt động của NFC

NFC là công nghệ giao tiếp không dây, dùng sóng radio để truyền và nhận dữ liệu. Chúng ta buộc phải có 2 thiết bị, 1 là thiết bị khởi tạo (initiator) và thiết bị thứ 2 là mục tiêu (target) để NFC có thể hoạt động. Initiator sẽ chủ động tạo ra những trường sóng radio (bản chất là bức xạ điện từ) đủ để cung cấp năng lượng cho target vốn hoạt động ở chế độ bị động. Target của NFC sẽ không cần điện năng, năng lượng để nó hoạt động lấy từ thiết bị initiator. Đây là một đặc điểm cực kỳ có ý nghĩa và hữu dụng vì nó cho phép người ta chế tạo những thẻ tag, miếng dán, chìa khóa hay thẻ NFC nhỏ gọn hơn do không phải dùng pin.

Một ví dụ về ứng dụng của NFC trong thực tế như sau: Khi bạn đến rạp chiếu phim và bắt gặp những tấm poster giới thiệu phim rất thú vị, bạn chỉ việc chạm điện thoại vào poster, tất cả các thông tin về phim đó sẽ hiện lên trên điện thoại, link dẫn tới trailer, đánh giá, lịch chiếu phim ở rạp gần nhất hay trang web mua vé Online,…

Sự khác biệt của công nghệ NFC với những công nghệ không dây khác

  • Bluetooth: Nhiều người thường nhầm lẫn NFC với công nghệ Bluetooth bởi chúng đều là giao tiếp không dây với phạm vi ngắn, nó cũng giống RFID (Radio Frequency ID) trong việc sử dụng các sóng radio để nhận diện. Song thực tế, NFC lại sở hữu những đặc tính rất riêng tách biệt hẳn với Bluetooth và RFID.

    • Phạm vi truyền tải dữ liệu của Bluetooth khá lớn thì NFC lại cho phép bạn truyền tải dữ liệu ở những khoảng cách rất nhỏ, chẳng hạn như tối đa chỉ từ 4-10cm so với 10m từ Bluetooth, trong khi công nghệ RFID thậm chí còn có thể đạt đến mức độ nhận sóng tính bằng km trong một số trường hợp.

    • NFC cho phép kết nối với các thiết bị khác nhanh hơn rất nhiều, kể cả Bluetooth 3.0 và 4.0 mới nhất.

    • NFC hoạt động ở tần số radio băng tần ISM 13,56MHz và tốc độ chạy từ 106 - 424Kbps trong khi bằng tần của Bluetooth là 2,4GHz nên tốc độ đạt 2.1Mb/s ở phiên bản 2.1 EDR.

  • Công nghệ Wi-Fi: dành cho mạng nội bộ (LAN) cho phép mở rộng hệ thống mạng hay thay thế cho mạng có dây trong phạm vi khoảng 100 mét.

  • IrDA: Giao diện IrDA thường được dùng ở các máy tính và ĐTDĐ, là chuẩn liên lạc không dây tầm ngắn (<1 mét), truyền dữ liệu qua tia hồng ngoại.

  • ZigBee: là công nghệ không dây có khả năng kiểm soát và giám sát các ứng dụng trong ngành công nghiệp và khu nhà ở trong phạm vi hơn 100 mét.

Ứng dụng của NFC

NFC Đối với mạng xã hội

Bên cạnh ứng dụng giúp biến điện thoại thành ví điện tử, loại bỏ thẻ tín dụng, séc (cheque) và các phương tiện thanh toán khác thì NFC còn có rất nhiều những ứng dụng khác nữa.

Hiện nay, mạng xã hội là một trong những yếu tố cần thiết trong đời sống hàng ngày, nó đã bùng nổ trên thế giới và trên các thiết bị di động, tồn tại như một tính năng không thể thiếu song song với những tính năng cơ bản khác. Nhờ có sự trợ giúp của NFC,  người dùng có thể mở rộng và khai thác hiệu quả các tính năng như:

  • Chia sẻ tệp tin: người dùng có thể ngay lập tức chia sẻ danh bạ, hình ảnh, bài hát, video, ứng dụng hoặc địa chỉ URL khi kết nối 1 chạm giữa 2 thiết bị hỗ trợ NFC. Khi sử dụng công nghệ NFC, bạn hoàn toàn có thể chia sẻ hình ảnh từ một chiếc điện thoại chạy hệ điều hành Windows Phone 8 hoặc sử dụng các thiết bị có tương thích với NFC – ví dụ như bộ loa Nokia Play 360 để thưởng thức âm thanh chất lượng cao qua loa mà không cần dây nối.

  • Tiền điện tử (electronic money): người dùng chỉ việc kết nối và nhập số tiền cần chi trả là đã có thể thanh toán chi phí bạn vừa sử dụng.

  • Chơi game trên di động: kết nối giữa 2 hay nhiều thiết bị để cùng chơi game, đặc biệt là các game đối kháng hoặc đua xe là một trong những tính năng nhận được nhiều yêu thích của NFC.

  • Kết nối Bluetooth và WiFi: NFC có thể được dùng để kích hoạt các kết nối không dây tốc độ cao để mở rộng khả năng chia sẻ nội dung. Nó cho phép bạn có thể thay thế quy trình ghép nối khá rắc rối giữa các thiết bị Bluetooth hay quy trình thiết lập kết nối WiFi với mã PIN, chỉ cần để 2 thiết bị gần nhau để ghép nối hoặc kết nối vào mạng không dây.

Nguyên lý hoạt động của NFC

NFC Đối với thương mại điện tử

  • Vận chuyển công cộng: Tại những thành phố như Nice ở Pháp, bạn có thể thanh toán phí xe bus, tàu điện ngầm hay xe điện qua điện thoại NFC, rất tiện lợi và dễ dàng.

  • Mua vé: Từ vé phim, vé ca nhạc, các sân vận động hay thậm chí thay cho việc làm thủ tục ở sân bay, bất cứ loại vé nào bạn cũng có thể mua một cách nhanh chóng với điện thoại NFC.

  • Chìa khóa: Với việc sử dụng NFC, tất cả những gì bạn cần làm là chạm nhẹ vào cửa nhà, văn phòng hay khách sạn, khởi động xe,… mà không cần đến những bộ chìa khóa rắc rối.

  • Nhận diện hàng giả: Một trong những công dụng mới nhất của NFC chính là nó cho phép bạn xác thực sản phẩm là hàng giả hay hàng thật. Ví dụ khi nhìn thấy một chiếc túi Charles & keith đắt tiền nhưng bạn không biết sản phẩm đó có phải hàng auth hay không, chỉ việc đưa điện thoại đến sát chiếc túi xách thì nó sẽ nhận được ngay (tất nhiên là việc này chỉ thực hiện được trong tương lai, khi mà các túi xách đều có chip NFC được nhúng sẵn).

Tính bảo mật của NFC

Tuy cự li giao tiếp của NFC chỉ giới hạn trong một vài cm nhưng bản thân NFC không mang tính bảo mật cao.

  • Để bảo vệ, NFC phải sử dụng các giao thức mã hóa lớp cao như SSL nhằm thiết lập một kênh giao tiếp an toàn giữa các thiết bị hỗ trợ.

  • Để bảo mật, dữ liệu NFC sẽ cần phải có sự kết hợp từ nhiều phía gồm nhà cung cấp dịch vụ, người dùng và các nhà cung cấp ứng dụng và hỗ trợ giao dịch. Nếu các nhà dịch vụ cần bảo vệ các thiết bị hỗ trợ NFC với các giao thức mã hóa và xác thực, người dùng cần bảo vệ thiết bị và dữ liệu cá nhân với mật khẩu hay chương trình chống virus thì các nhà cung cấp ứng dụng và hỗ trợ giao dịch cần phải sử dụng các chương trình chống virus hay các giải pháp bảo mật khác để ngăn chặn phần mềm gián điệp và mã độc từ các hệ thống phát tán.

Tính bảo mật của NFC

Các thiết bị đang được tích hợp NFC

Hiện nay, hầu hết các thiết bị điện thoại thông minh đều được tích hợp công nghệ NFC, ví dụ như:

  • Các sản phẩm điện thoại Samsung: Galaxy S5, Galaxy Note 4, Galaxy Alpha

  • Các sản sản phẩm điện thoại Sony: Xperia Z3, Xperia Z3 Compact, Xperia Z2

  • Các sản phẩm điện thoại HTC: HTC Desire Eye, HTC One E8, HTC One M8

  • Các sản phẩm điện thoại Asus: Zenfone 5, Zenfone 6

  • Các sản phẩm điện thoại LG: LG G3, LG G2

  • Điện thoại Oppo: Oppo Find 7a, Oppo R5, Oppo N1 Mini, Oppo R1

  • Các máy tính bảng chạy Android: Sony Xperia Z3 Tablet Compact, Samsung Galaxy Tab S 10.5 (SM-T805), Samsung Galaxy Tab S 8.4 (SM-T705), Google HTC Nexus 9 Volantis, Lenovo Yoga Tablet 2 Pro, Asus MeMo Pad 8, Dell Venue 8