Phân tích Đàn ghita của Lorca – Ngữ Văn 12

Tâm hồn người nghệ sĩ vốn tài hoa và đầy lòng trắc ẩn, cho dù xa về khoảng cách địa lí, rào cản văn hoá thì họ vẫn tìm thấy sự đồng cảm trong nhau. Trước cái chết bi thương gây chấn động cả lịch sử nhân loại của Lor-ca, Thanh Thảo đã viết Đàn ghi ta của Lor-ca bài thơ như tiếng nhạc gẩy lên du dương, tha thiết tiễn đưa người nghệ sĩ đa tài về chốn cực lạc, thoát khỏi éo le số phận, rời xa xã hội bất công độc tài lúc bấy giờ ở Tây Ban Nha. Vẫn là ngòi bút xuất sắc đầy nhiệt huyết ấy, lòng trăn trở trước những vấn đề nóng bỏng của xã hội và thời đại, Thanh Thảo đã cho người đọc cảm nhận được sự xót thương, sự căm phẫn tột cùng với chế độ xã hội đầy bất công đẩy con người vào chỗi bi kịch không lối thoát.

Bài mẫu phân tích Đàn ghita của Lorca – Ngữ Văn 12 số 1:

I. Mở bài

– Giới thiệu bài thơ

– Giới thiệu hình ảnh Lor – ca

II. Thân bài

Lor – ca là người chiến sĩ đấu tranh cho sự tự do, cho những khát vọng chân chính về con người và về nghệ thuật. Hình ảnh Lor – ca được thể hiện qua thi ảnh và ngôn từ mới mẻ trong bài thơ, hình ảnh này được tác giả gợi nhiều hơn tả.

a) Hai khổ thơ đầu:

Cho ta cảm nhận hình ảnh một con người nghĩa khí:

– Chàng chủ xướng, tuyên truyền cho khát vọng, cho lí tưởng sống vì con người. Khiêu chiến với chủ nghĩa độc tài thân phát xít. Tiếng đàn là biểu tượng cho tiếng nói tuyên truyền, tuyên ngôn cho trường phái cách tân nghệ thuật trong khung cảnh chính trị sa sút và nghệ thuật già nua của Tây Ban Nha.

– Chàng đã chết vì khát vọng chân chính của mình “áo choàng bê bết đỏ" Đó là nỗi kinh hoàng mà bọn độc tài phái xít gây ra.

– Hình tượng Lor – ca mang một vẻ bi tráng.

b) Những khổ thơ sau:

“ Lor-ca bơi sang ngang

Trên chiếc ghi ta màu bạc”.

Lor – ca không thể chêt, chàng vẫn tồn tại vĩnh hằng trong thế giới này, kiêu hãnh và khẳng định lí tưởng sống của mình và mãi mãi toả sáng.

– Lor – ca đã làm một cuộc cách mạng “ném lá bùa cô gái Di – gan vào xoáy nước”. Cuộc đấu tranh ấy vẫn còn đang tiếp diễn, đang có mặt Lor – ca. Chàng chỉ “ném trái tim mình vào lặng yêu bất chợt” mà thôi.

– Cái chết thực sự của nhà cách tân Lor – ca là khi những khát vọng của anh không còn tiếp tục nhưng cái chết đau đớn của một nhà cách tân còn là khi tên tuổi và sáng tạo của anh trở thành một bức thành kiên cố cản sự cách tân văn chương của những người đến sau.

– Các hình ảnh đường chỉ tay, con sông… mang ý nghĩa tượng trưng cho giã từ và giải thoát, chia tay thực sự với những ràng buộc hệ lụy trần gian.

III. Kết bài

Nhà thiên tài Lor – ca là một nghệ sĩ vĩ đại, đã chiến đâu, hi sinh lí tưởng nghệ thuật, lí tưởng sống của mình. Tên tuổi Lor – ca trở thành một biểu tượng là ngọn cờ tập hợp các nhà văn hoá Tây Ban Nha và thế giới, chống chủ nghĩa phát xít. bảo vệ văn hoá dân tộc và văn hoá nhân loại.

Bài mẫu phân tích Đàn ghita của Lorca – Ngữ Văn 12 số 2:

Khi số phận đã hết, “đường chỉ tay đã đứt", Lor-ca bước sang thế giới bên kia, đã “bơi sang ngang” dòng sóng với chiếc ghi ta “màu bạc”.

Lor-ca là nhà thơ lỗi lạc, là chiến sĩ tiên phong chông phát xít của Tây Ban Nha trong thế kỉ XX. Ngày 19-8-1936, ông đã bị bọn phát xít Phrăng-cô sát hại dã man.

Thanh Thảo đã nhắc lại câu thơ của Lor-ca “Khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn" vừa là đề từ cho bài thơ, vừa như nguyện cầu cho linh hồn Lor-ca, nhà nghệ sĩ tài ba.

Lor-ca đã nhiều năm ngồi vắt vẻo trên yên ngựa, mặc áo choàng đỏ như các lực sĩ đấu bò tót, khoác chiếc đàn ghi ta sau lưng đi rong ruổi ngược xuôi khắp đất nước Tây Ban Nha để sưu tầm dân ca, đế học tập những điệu hát đồng quê. Tiếng đàn của chàng nghệ sĩ cứ sưu tầm dân ca, để học tập những điệu hát đồng quê dân dã. Tiếng đàn của chàng nghệ sĩ cứ “tan” ra như bọt nước. Các hình ảnh “áo choàng đỏ gắt”, "vầng trăng chểnh choáng”, “yên ngựa mỏi mòn ” và các từ láy lang thang, đơn độc, chếnh choáng mỏi mòn phối âmvới tiếng đàn “li-la li-la li-la” như tan ra trong không trung, đã gợi lên bao lien tưởng về nhà thơ thiên tài, về nhạc sĩ Lor-ca xa xôi thuở ấy:

những tiếng đàn bọt nước

Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt

li-la li-la li-la

đi lang thang về miền đơn độc

với vầng trăng chếnh choáng

trên yên ngựa mỏi món

Khổ thơ thứ hai, thứ ba tái hiện lại giây phút “kinh hoàng” khi Lor-ca người chiến sĩ đấu tranh cho tự do đã bị bọn phát xít Phrăng-cô dẫn ra pháp trường sát hại. Chàng nghệ sĩ “đi như người mộng du” giữa bầy ác quỷ, tiếng hát nghêu ngao và tiếng đàn cùa chàng “bỗng kinh hoàng", “đứt ngang giây”. chỉ còn lại, chỉ nhìn thấy “áo choàng bê bết đỏ’’.

Lor-ca đã ngã xuống trước làn đạn của bè lũ phát xít dã man, đã để lại một “bầu trời” thương nhớ mênh mông cho “cô gái ấy”, cho người yêu (nàng An-na Ma-ri-a)! “Tiếng ghi ta nâu”, “tiếng ghi ta lá xanh” là biểu tượng cho một tâm hồn nghệ sĩ mang một tình yêu tha thiết và yêu đời, gắn bó với quê hương, với nhân dân. Sau loạt đạn của quân thù, một tài năng đã bị hủy diệt, tiếng đàn bị “vỡ tan" như bọt nước, bị “đứt ngang dây”, với bao máu đỏ chảy “ròng ròng’ Thanh Thảo qua các ẩn dụ, so sánh, tượng trưng và điệp ngữ đã tạo nên những vần thơ giàu hình tượng và biểu cảm, bộc lộ nỗi tiếc thương Lor-ca, một thiên tài bị cái ác sát hại. Điệp ngữ “tiếng ghi ta” bốn lần vang lên như tiếng nói, tiếng nấc nghẹn ngào:

tiếng ghi ta nâu

bầu trời cô g��i ấy

tiếng ghi ta lá xanh biết mẩy

tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan

tiếng ghi ta ròng ròng

máu chảy

Phần cuối bài thơ (13) câu, Thanh Thảo dùng lối nói phủ định để khẳng định một chân lí, để ca ngợi sự bất tử của người nghệ sĩ. Không ai có thể chôn cất được tiếng đàn? Sắc đẹp cùa giai nhân, tài năng nghệ sĩ có thế lực nào có thế “chôn cất” được? Có gì nhiều bằng cỏ? Có gì xanh bằng cỏ? Có gì sống mãnh liệt bằng cỏ trên mặt đất bao la? Và vầng trăng thì vĩnh hằng cùng vũ trụ mênh mông. Lor-ca cũng vậy. Cuộc đời chỉ có 38 mùa xuân nhưng tài năng và tinh thần của nhà thơ, nhà nghệ sĩ mãi mãi bất diệt như tiếng đàn ghi ta. Như cỏ xanh trên thảo nguyên, như vầng trăng trên bầu trời lấp lánh soi đáy giếng. Thơ Thanh Thảo tuy hạn chế về vần điệu, nhưng anh đã tạo nên được một số hình ảnh, một số đường nét đầy ấn tượng để khẳng định Lor-ca “thác là thề phách, còn là tình anh”:

Không ai chôn cất tiếng đàn

Tiếng đàn như cỏ mọc hoang

Giọt nước mắt vầng trăng

Long lanh trong đáy giếng

Tài sắc cùa nàng

Kiều còn mãi trong tâm hồn những chàng Kim trong cõi đời. Tiếng đàn, tiếng hát “thậm hay” của anh Trương Chi vẫn còn thổn thức tâm hồn thiếu nữ gần xa. Tiếng đàn diệu huyền của cô cầm mà thi hào Nguyễn Du đã nhắc tới trong bài thơ chữ Hán “Long Thành cầm giả ca” vẫn còn vang vọng khắp 36 phố phường Hà Nội hôm nay và ngày mai! Hình như Thanh Thảo đã “nghĩ tới” những tài năng và thân phận đầy bi kịch ấy khi viết những dòng thơ trên đáy?

Khi số phận đã hết, “đường chỉ tay đã đứt", Lor-ca bước sang thế giới bên kia, đã “bơi sang ngang” dòng sóng với chiếc ghi ta “màu bạc”. Chàng nghệ sĩ đã bỏ lại đời, “ném lại” tình yêu và số phận mình vào “xoáy nước” cuộc đời đầy máu và nước mắt. để ra đi. Và âm thanh “li-la li-la Li-la” diệu huyền của tiếng đàn ghi ta cứ vang vọng mãi, cứ “ròng ròng - máu chảy” mãi, đế lại bao đau đớn tiếc thương trong lòng người.

Lor-ca như một lực sĩ đấu bò tót. Lor-ca áo choàng bê bết máu đỏ trên pháp trường. Lor-ca đã đi vào cõi bất tử và để lại tiếng đàn ghi ta. Đó là cấu tứ của bài thơ, cũng là hình tượng Lor-ca qua bài thơ của Thanh Thảo mà chúng ta đã cảm nhận được.

Bài thơ “Đàn ghi ta của Lor-ca” là tiếng khóc thương, là tính đồng điệu thiên tài một nhà thơ xứ Quảng miền Trung Việt Nam gửi tới hương hồn nhà xứ sở Grê-na-đa bên trời Ảu. Có những câu thơ của Thanh Thảo cất lên khóc “ròng ròng máu chảy"...

Bài mẫu phân tích Đàn ghita của Lorca – Ngữ Văn 12 số 3:

Trên cơ sở nắm được những nét cơ bản về phong cách thơ Thanh Thảo và thân thế, sự nghiệp của Lor-ca, học sinh khám phá bài thơ "Đàn ghi ta của Lorca". Hiểu được cái chết đầy bi tráng của Lorca – nhà thơ, nhạc sĩ, nhà viết kịch, nhà hoạt động sân khấu thiên tài Tây Ban Nha. Thanh thảo quan đây muốn tái hiện thời khắc bi tráng đó với tấm lòng đầy xót thương và ngưỡng mộ.

Bài thơ là một trong những sáng tác tiêu biểu cho kiểu tư duy của Thanh Thảo: giày suy tư, mãnh liệt, phóng túng trong xúc cảm và đương nhiên không dễ hiểu vì nhuốm màu sắc tượng trưng, siêu thực mà Thanh Thảo học tập từ chính nhà thơ Lorca. Vì thế, khi phân tích, cần lập dàn ý cho phù hợp với nội dung và mạch cảm xúc bài thơ. Có thể xây dựng hệ thống luận điểm như sau.

Giới thiệu hình tượng Lorca và hình thức biểu hiện của bài thơ.

Lorca là bậc thầy của thi ca hiện đại thế giới, đại biểu cho một thế hệ nghệ sĩ đầy tinh thần công dân và ý thức trách nhiệm xây dựng nền nghệ thuật mới vì thế cái chết của ông không chỉ gây chấn động đối với Tây Ban Nha mà lan tỏa toàn thế giới trong nhiều năm sau. Thanh Thảo muốn phục sinh thời khắc bi tráng đó với tấm lòng tri ân đầy xót thương và ngưỡng mộ qua biểu tượng nghệ thuật quen thuộc mà độc đáo: đàn ghi ta.

Viết "Đàn ghi ta của Lorca", Thanh thảo không chỉ muốn dừng lại ở hình thức thông thường mà muốn thể nghiệm ở một hình thức mới, gần gũi với mạch tượng trưng và siêu thực. Đó là sự kết hợp giữa tự sự và trữ tình, giữa thơ và nhạc, giữa màu sắc thơ phương Đông và chất bi tráng trong nhạc giao hưởng phương Tây. Tất cả được đưa vào cấu trúc mới: sự hòa kết giữa tính liên tục và tính gián đoạn trong suy nghĩ và ngôn ngữ thơ.

Hình ảnh Lorca đơn độc trên đấu trường chính trị và nền nghệ thuật già cỗi Tây Ban Nha.

Mở đầu bài thơ hình ảnh Lorca được giới thiệu bằng những nét chấm phá, chịu ảnh hưởng của trường phái ấn tượng:

"những tiếng đàn bọt nước

Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt

li-ta li-ta li-ta

đi lang thang về miền đơn độc

với vầng trăng chếnh choáng

trên yên ngựa mỏi mòn"

Những hình ảnh tương phản giúp người đọc hình dung về Lorca, người nghệ sĩ đại diện cho tinh thần tự do và khát vọng cách tân nghệ thuật của thế kỷ XX, vừa gợi lên liên tưởng đến khung cảnh chính trị và nghệ thuật Tây Ban Nha thời ấy – một nền chính trị độc tài, một nền nghệ thuật già nua. Mà Lorca là một võ sĩ với tấm áo choàng đỏ gắt như một lời thách đấu, cho dù Lorca đơn độc trên con đường của mình. Lorca vừa như lững lờ, cô đơn, lang thang, chếnh choáng…. Hình ảnh bi tráng của Lorca trên pháp trường và nỗi niềm dang dở của khát vọng cách tân.

Chế độ độc tài hoảng sợ trước sức mạnh tinh thần phản kháng của Lorca đã vội bẻ gãy ngọn cờ tự do và biểu tượng văn hóa mới của dân tộc Tây Ban Nha. Lorca không ngờ cái chết lại đến với anh sớm thế. Sự kiện thảm khốc khiến Lorca cũng kinh hoàng và tiếc nuối "chàng đi như người mộng du" chập chờn bước vào cõi chết, đau đớn cho nghệ thuật mới chỉ bắt đầu.

Thanh thảo diễn tả sự kiện thảm khốc ấy theo lối tượng trưng. Tiếng đàn tan vỡ thành nhiều màu sắc, hình khối khiến cho người đọc liên tưởng đa chiều hình ảnh Lorca: "tiếng ghi ta nâu" màu của cây đàn, màu đất, màu của nỗi bi tượng; "tiếng ghi ta lá xanh" – gợi ra "bầu trời cô gái ấy" với bao tiếc nuối; "tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan" – bàng hoàng, về tình yêu, về khát vọng tan vỡ….

Sự tan biến, hóa thân của tiếng đàn cũng chính là sự hóa thân, lìa giã cõi đời của một thiên tài. Lor ca chết, nhưng sự sáng tạo ấy mãi mãi trường tồn, sự sống của nó man dại như "cỏ mọc hoang", cứ thế mà phát triển, lan rộng ra.

Cuối bài thơ, Thanh thảo suy tư cuộc giã từ về cõi vĩnh hằng của Lorca: Nhà thơ diễn tả sự ra đi của một nghệ sĩ thật thảm khốc nhưng cũng thật nhẹ nhàng. Lorca bơi trên chiếc ghi ta màu bạc vào cõi hư huyền đẹp tự như bơi vào cõi mộng. VÀ để thể hiện sự ngưỡng mộ, tri âm, Thanh Thảo đã "cấy" nhạc vào thơ, tạo ra cấu trúc của bản nhạc giao hưởng có phần đệm của ghi ta.

Thanh Thảo đã dành nhiều bài thơ thể hiện suy ngẫm của ông về những cuộc đời và số phận ngang trái nhưng sống có chính nghĩa, nhân cách. Mỗi bài thơ của ông là một nỗ lực đổi mới với những khám phá phát hiện, "Đàn ghi ta của Lorca" là một tiêu biểu thể hiện tấm lòng đồng điệu ngưỡng mộ và sự tiếc thương sâu sắc, làm sống dậy hình tượng Lorca, một nghệ sĩ thiên tài yêu tự do đã đi vào cõi bất tử và bi tráng như tiếng ghi ta.