-
Câu Hỏi
1868
-
Thành Viên
799
-
Wiki-Hỏi-Đáp.Org
Wiki Hỏi đáp trực tuyến là website chia sẻ kiến thức cộng đồng về tất cả lĩnh vực từ giáo dục, kinh tế, xã hội khoa học, đời sống, gia đình...
Liên hệ tại: Wikihoidap.org@gmail.com
Liên kết hữu ích bạn nên xem: Alo789
-
Theo dõi Wiki Hỏi đáp
-
Bản quyền tại DMCA
So sánh nhân vật Thị Nở và người vợ nhặt để thấy tâm hồn người phụ nữ
Có thể thấy, tiêu biểu và thành công nhất khi viết về đề tài người phụ nữ đó là hình ảnh người vợ nhặt của Kim Lân và Thị Nở của Nam Cao. Khi so sánh nhân vật Thị Nở và người vợ nhặt, ta sẽ thấy ở hai nhân vật này có những điểm chung của người phụ nữ Việt Nam đồng thời mang những nét rất riêng và độc đáo.
Danh mục nội dung
Dàn ý chi tiết cảm nhận vẻ đẹp tâm hồn người vợ nhặt và Thị Nở
I. Mở bài:
- Xác định đúng luận đề: Vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật người vợ nhặt, liên hệ với nhân vật Thị Nở để thấy điểm gặp gỡ trong quan niệm về vẻ đẹp con người của hai nhà văn.
- Giới thiệu tác giả Kim Lân, tác phẩm Vợ nhặt và nhân vật người vợ nhặt.
II. Thân bài:
Triển khai luận đề
1. Cảm nhận vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật người vợ nhặt
- Ẩn sau ngoại hình tàn tạ, nhếch nhác, hành động vô duyên là một người phụ nữ biết điều và rất ý tứ trong ứng xử, có lòng tự trọng đáng mến.
+ Thị hiểu, cảm thông và chấp nhận hoàn cảnh gia đình của Tràng thông qua các chi tiết: “Thị nén tiếng thở dài” khi nhìn thấy cảnh nhà rách rưới của Tràng; trong bữa ăn khi đón lấy bát cháo từ tay mẹ chồng “Thị điềm nhiên và vào miệng”.
+ Thị là người mang đến những tin tức mới như chuyện người đói phá kho thóc Nhật, họ không đóng thuế nữa…
- Bên trong vẻ chao chát, chỏng lỏn là một người phụ nữ biết lo toan, một người vợ hiền hậu, một người con dâu thảo hiền, có lòng nhân hậu đáng trân trọng.
+ Từ ngày theo Tràng về, Thị mất đi sự đanh đá, chỏng lỏn như trước kia. Thị đã thẹn thùng, ý tứ, lễ phép: “Thị ngượng ngịu, chân nọ bước díu cả chân kia”, “ngồi mớm xuống mép giường”, “Thị cất tiếng chào lần nữa: U đã về ạ”
+ Sáng hôm sau về nhà chồng, Thị trở thành người vợ đảm đang cùng mẹ chồng thu dọn nhà cửa, nấu cơm cho cả gia đình: “vợ hắn quét lại cái sân”, “người đàn bà lẳng lặng đi vào trong bếp”.
- Dù bên bờ vực của cái chết, người phụ nữ ấy vẫn hướng về sự sống, khát khao sống và khát khao hạnh phúc.
+ Chỉ vài ba câu bông đùa, bữa ăn ở chợ, Thị đã về làm vợ Tràng. Điều ấy cho thấy Thị không muốn buông xuôi số mình cho cuộc đời, Thị cố gắng bám lấy, tầm gửi đời mình vào một người khác.
+ Nhờ lòng ham sống mà Thị tìm thấy bến đậu của mình, tuy đó không phải nơi lý tưởng nhưng cũng chan chứa tình người. Thị làm nên sự thay đổi kì diệu cho cuộc sống của xóm ngụ cư, thổi vào đấy một luồng sinh khí khiến những người nơi đây như vui tươi, phấn chấn hẳn lên.
=> Thị là nhân vật trung tâm để Kim Lân bộc lộ ý tưởng của mình khi viết tác phẩm: Con người ta có thể bị cái đói, cái khổ che khuất cái đẹp tạm thời nhưng nó không đủ sức phủ nhận vẻ đẹp thực sự bên trong họ. Trong hoàn cảnh khó khăn nhất con người vẫn tìm đến hạnh phúc, họ đối mặt với khó khăn bằng tình yêu thương, lòng vị tha. Cái đói quay quắt không khiến con người nghĩ đến cái chết mà họ tìm về sự sống.
- Nghệ thuật xây dựng nhân vật người vợ nhặt: Tác giả đặt nhân vật trong tình huống độc đáo, éo le, không đặt tên cho nhân vật; giữ một thái độ điềm tĩnh khách quan khi miêu tả...
2. Liên hệ với nhân vật Thị Nở trong Chí Phèo
- Một người phụ nữ xấu xí về ngoại hình, dở hơi trong tính cách nhưng lại là người mang vẻ đẹp của tình yêu thương vô vị lợi.
+ Ngoại hình xấu xí đến ma chê quỷ hờn “một người ngẩn ngơ như những người đần trong cổ tích và xấu ma chê quỷ hờn.
+ Cái mặt của thị đích thực là một sự mỉa mai của hóa công: nó ngắn đến nỗi người ta có thể tưởng bề ngang lớn hơn bề dài, thế mà hai má nó lại hóp vào mới thật là tai hại, nếu má nó phinh phính thì mặt thị lại còn được hao hao như mặt lợn, là thứ mặt vốn nhiều hơn người ta tưởng, trên cổ người.
+ Cái mũi thì vừa ngắn, vừa to, vừa đỏ, vừa sần sùi như vỏ cam sành, bành bạnh muốn chen lẫn nhau với những cái môi cũng cố to cho không thua cái mũi.
+ Thêm vào đó Thị lại dở hơi, dòng họ nhà có hủi.
- Bên trong con người tưởng như vô giá trị vẫn là một khát khao hạnh phúc cháy bỏng.
+ Chỉ có Thị Nở mới đối xử chân thành với Chí Phèo, Thị là người duy nhất quan tâm đến sức khỏe của Chí Phèo và giao tiếp với Chí như một con người chứ không phải con quỷ.
+ Thị khơi dậy trong lòng Chí Phèo niềm khao khát hoàn lương. Xét ở một góc độ nào đó, Thị là người tốt nhất trong làng Vũ Đại.
3. Điểm gặp gỡ trong quan niệm về vẻ đẹp con người của hai nhà văn
- Vẻ đẹp tâm hồn ẩn sau những biểu hiện không mấy thiện cảm bên ngoài.
- Dù bị hoàn cảnh khắc nghiệt đày đọa tới đâu, những khát vọng nhân bản vẫn được nuôi dưỡng, vẹn nguyên trong tâm hồn con người.
- Nhận xét:
+ Vẻ đẹp con người không phải ở ngoại hình, lời nói mà ở hành động, cử chỉ, ở cách họ đối đãi với người khác
+ Những phẩm chất đáng quý đó không phải ai cũng thấy được, chúng ta phải biết nhìn, thấu hiểu, khám phá bản chất thực sự bên trong.
+ Phát hiện vẻ đẹp ẩn sâu trong tâm hồn con người là biểu hiện của tinh thần nhân đạo sâu sắc của các nhà văn. Đây cũng là cảm hứng chủ đạo trong văn học Việt Nam khi viết về số phận và vẻ đẹp của người lao động.
III. Kết bài:
- Khái quát lại vẻ đẹp tâm hồn khuất lấp trong con người của nhân vật vợ nhặt và Thị Nở nói riêng và của phụ nữ Việt Nam nói chung.
- Khẳng định tài năng cùng tư tưởng nhân đạo mà hai nhà văn thể hiện.
Bài văn mẫu cảm nhận vẻ đẹp khuất lấp của người vợ nhặt và Thị Nở
Có thể thấy, tiêu biểu và thành công nhất khi viết về đề tài người phụ nữ đó là hình ảnh người vợ nhặt của Kim Lân và Thị Nở của Nam Cao. Khi so sánh nhân vật Thị Nở và người vợ nhặt, ta sẽ thấy ở hai nhân vật này có những điểm chung của người phụ nữ Việt Nam đồng thời mang những nét rất riêng và độc đáo.
Kim Lân là nhà văn chuyên về nông thôn, những điều gần gũi, mộc mạc và giản dị, gần gũi với người nông dân. Truyện ngắn ”Vợ nhặt” của Kim Lân tái hiện lại nạn đói thê thảm của nước ta năm 1945, đồng thời thể hiện vẻ đẹp tình người sức sống kì diệu của người nông dân: bên bờ vực chết, họ vẫn hướng tới sự sống, khát khao tổ ấm gia đình thương yêu đùm bọc lẫn nhau.
Nội dung nhân đạo sâu sắc cảm động thể hiện qua tình tiết truyện độc đáo, cách kể chuyện hấp dẫn, miêu tả tâm lí tinh tế, dựng đối thoại sinh động. Không chỉ thành công với nhân vật Tràng, tác phẩm còn để lại người đọc nhiều suy nghĩ, trăn trở đối với nhân vật Thị. Thông qua nhân vật Thị, ta càng thấu hiểu và cảm thông hơn tình cảnh của người phụ nữ giai đoạn trước cách mạng tháng Tám.
Song song cùng với Thị, Thị Nở của Nam Cao cũng có một số phận bất hạnh không kém. Nam Cao là nhà văn hiện thực xuất sắc trước Cách mạng tháng Tám. Tác phẩm Chí Phèo nói lên số phận bi thảm của người nông dân nghèo mà đầy lương thiện đã bị xã hội thực dân phong kiến xô đẩy vào con đường lưu manh, tội lỗi không có lối thoát. Thị Nở là một trong những nhân vật trung tâm của tác phẩm, góp phần thể hiện tư tưởng nhân đạo của tác giả.
Nhà văn là người song hành trong cuộc tìm kiếm vẻ đẹp khuất lấp ấy để trân trọng, nâng niu và cảm thông với những nỗi thống khổ của nhân vật. Vậy nên khi so sánh nhân vật Thị và người vợ nhặt ta sẽ hiểu đồng thời khai thác và phân tích rõ nét hơn số phận cũng như nét đẹp tâm hồn của người phụ nữ ở hai thời kì khác nhau.
Khi so sánh nhân vật Thị Nở và người vợ nhặt, ta sẽ thấy ở hai nhân vật này đều có một điểm chung đó là cả hai đều có số phận bất hạnh, có những bi kịch riêng của đời mình.
Trước hết, phân tích nhân vật Thị trong tác phẩm Vợ nhặt, Thị là một người con gái có số phận bất hạnh. Thị sống trong thời kì nạn đói đang tràn về khắp xóm ngụ cư. Cái đói qua ngòi bút của Kim Lân khiến chúng ta kinh hãi trước “xác người chết đói ngập đầy đường”, “người lớn xanh xám như những bóng ma”, “không khí vẩn lên mùi hôi của rác rưởi và mùi gây của xác người”, từng ớn lạnh trước “tiếng quạ kêu gào thảm thiết”.
Không chỉ vậy, cô sẵn sàng theo không Tràng về nhà chỉ qua vài câu nói bông đùa, sẵn sàng theo một người mà cô chẳng biết rõ nhà cửa họ như thế nào. Thị theo Tràng đơn giản vì khát khao được sống, khao khát mưu cầu hạnh phúc. Chết đói là điều cầm chắc, vì vậy Thị cần có nơi nương tựa để khỏi chết đói. Đây cũng là những khao khát rất bình dị của tất cả mọi người... Bản chất tốt đẹp của người con gái đã bị nạn đói, cái đói khủng khiếp cướp mất đi, che lấp đi, thật đáng thương! Một người đàn bà nghèo khổ, không còn thứ gì giá trị đi cạnh một người đàn ông nghèo khổ, cùng cực đúng là một đôi trời sinh. Tưởng chừng Thị là một người phụ nữ táo bạo vô duyên nhưng thực chất cũng vô cùng e lệ và suy nghĩ như một người phụ nữ.
Không chỉ riêng Thị mà Thị Nở trong tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao cũng có số phận bất hạnh không kém. Thị Nở là người đàn bà xấu xí, dở hơi, lại thuộc dòng họ nhà có hủi. Trong con mắt của người dân làng Vũ Đại, thị là người đáng bỏ đi. Thị Nở nghèo, cái nghèo đeo bám. Cả làng Vũ Đại ai cũng biết đến Thị bởi ngoại hình thô kệch và gia cảnh nghèo. Thị đã phải đi gánh nước thuê để kiếm sống qua từng ngày.
Thị cũng như Chí Phèo, không được ai yêu thương. Và phải chăng ẩn sâu bên vỏ ngoài thô kệch kia là một trái tim ấm nóng, đang từng ngày khao khát yêu và được yêu. Và có lẽ, bất hạnh nhất đời người là bị cả xã hội chối bỏ, chê cười.
So sánh nhân vật Thị Nở và người vợ nhặt, ta không chỉ thấy số phận bất hạnh của họ mà qua đó ta còn thấy được rất nhiều điều tốt đẹp ở hai nhân vật này mà ngòi bút tài tình của nhà văn đã thể hiện được. Đằng sau vẻ rách rưới, xấu xí của hai nhân vật này là một khát vọng sống mạnh liệt. Nhân vật Thị Nở được khắc họa qua đêm gặp Chí Phèo, qua chi tiết bát cháo hành, qua từng cử chỉ ân cần và lời hỏi thăm dành cho Chí. Có lẽ đây là đoạn văn thấm đẫm tình yêu thương, là vẻ đẹp giữa những con người cùng cực, bế tắc trong xã hội.
Thị thương Chí, một tình thương xuất phát từ trái tim với lòng cảm thông sâu sắc, không toan tính và vụ lợi. Chỉ đơn giản đó là tình yêu. Chí Phèo – con quỷ làng Vũ Đại, nhưng hắn cũng là người, cũng cần được yêu thương. Cả cuộc đời này, hắn cần Thị – người đàn bà mang đến sự ấm áp…
Trong “Vợ nhặt” của Kim Lân, người vợ nhặt cũng vậy, thị theo Tràng về chẳng qua cũng vì muốn tìm một mái ấm gia đình, một nơi được bao bọc trong tình yêu thương. Thị đã khơi dậy ở Tràng hình ảnh lá cờ đỏ bay phấp phới và đám người đói đi phá kho thóc của Nhật - đó là minh chứng rõ nhất cho khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc đang rực cháy trong tâm hồn thị.
Thị Nở chính là hiện thân cho sự khao khát tình yêu đôi lứa dung dị, chân thành và đầy mãnh liệt. Đây chính là tình cảm mà Chí vốn luôn khát khao nhưng lại không có được.
Người đọc đã có nhiều ám ảnh với nhân vật Thị Nở của tác giả bởi ngòi bút “nghệ thuật vị nhân sinh” này. Giá trị nhân văn của thiên truyện chính là tấm lòng vị tha, yêu thương và đồng cảm mà Nam Cao đã chăm chút dành cho nhân vật của mình.
Còn với nhân vật người vợ nhặt, cô cũng là hiện thân của người phụ nữ Việt Nam xưa. Dù có vẻ ngoài xấu xí, kệch cỡm, thô lỗ nhưng cô là một người vợ hiền hậu đúng mực, thương chồng và là một người con dâu lễ phép, biết điều và sẵn sàng vun đắp xây dựng gia đình dù người chồng ấy chẳng có gì trong tay. Đây chính là những nét đẹp rất tiêu biểu của người phụ nữ Việt Nam.
Vẻ đẹp con người không phải ở ngoại hình, lời nói mà ở hành động, cử chỉ, ở cách họ đối đãi với người khác. Những phẩm chất đáng quý đó không phải ai cũng thấy được, chúng ta phải biết nhìn, thấu hiểu, khám phá bản chất thực sự bên trong. Vậy nên khi so sánh nhân vật Thị Nở và người vợ nhặt, ta sẽ thấy cụ thể những phẩm chất ấy.
Ở cả hai tác phẩm đều mang những thông điệp hết sức nhân văn, thể hiện giá trị nhân đạo và giá trị hiện thực của tác phẩm. Khi so sánh nhân vật Thị Nở và người vợ nhặt, ta sẽ thấy ở hai nhân vật này chính là tinh thâ��n nhân đạo mà nhà văn đã gửi gắm. Nhà văn đã cảm thông với số phận đau khổ của những con người nhỏ bé, bất hạnh. Tố cáo các thế lực gây ra đau khổ cho con người. Phát hiện, khám phá và ngợi ca vẻ đẹp tiềm ẩn trong những con người bất hạnh đồng thời đấu tranh cho khát vọng chân chính, tốt đẹp của con người.
Không chỉ có giá trị hiện thực, thông qua hai nhân vật này tác giả còn tố cáo hiện thực xã hội lúc bấy giờ. Nhà văn đã phơi bày chân thực, sâu sắc cuộc sống cơ cực, nỗi khổ về vật chất hay tinh thần của những con người bé nhỏ, bất hạnh. Với mỗi tác phẩm cụ thể, giá trị hiện thực đều được biểu hiện cụ thể và đầy tính đa dạng. Từ đó thể hiện cái nhìn sâu sắc của nhà văn đối với nhân vật của mình.
Qua bài viết này, hy vọng các bạn đọc đã có những góc nhìn khác nhau, giúp các bạn nhận định và phân tích đề tốt hơn trong quá trình học tập ở chương trình văn học ở phổ thông. Mong các bạn đón đọc các bài viết tiếp theo của Wikihoidap.org nhé!