Thạch tín là gì? Dư lượng thạch tín trong nước ảnh hưởng đến sức khỏe?

Nếu là người đam mê phim cổ trang, ắt hẳn chúng ta đã từng nghe qua tên một loại chất độc thường xuyên dùng để hạ sát các anh hùng, phi tần ở chốn hậu cung mà không có lời giải đáp. Nói đến đây, chắc hẳn các bạn cũng đã đoán ra được chất độc nào rồi chứ nhỉ. Chính xác chất độc mà ad muốn nói đến ở đây chính là thạch tín, một chất độc rất nguy hại hiện diện rất nhiều trong đời sống chúng ta. Còn chần chờ gì nữa, cùng Wikihoidap.org tìm hiểu về chất độc này nhé!

Thạch tín là gì?

Asen thường bị gọi nhầm là thạch tín vốn là từ chỉ quặng oxit của nó - asen trioxit (As2O3), cũng là chất độc như asen. Nhưng thạch tín là Arsenolit, một dạng khác của asen và có độc, hình thành thứ cấp như là sản phẩm phong hóa (oxi hóa) của các khoáng vật sulfua chứa asen trong các mạch nhiệt dịch.

Tên thường dùng: Còn gọi là tín thạch, nhân ngôn, phê thạch, hồng phê, bạch phê.

Phân loại thạch tín

Asen vô cơ: nguyên tử arsen (As) ở dạng kim loại, tinh khiết, hoặc trong các hợp chất arsen không liên kết với gốc carbon (C) như trong triclorua arsen (AsCl3). Hai loại thạch tín vô cơ chính là arsenite và arsenate, cả hai đều độc hại và là chất gây ung thư.

Asen hữu cơ: hợp chất hữu cơ có chứa nguyên tử arsen, như acid 4-hydroxy-3-nitrobenzenearsonic.

Cần phân biệt giữa asen vô cơ và asen hữu cơ, trong khi arsen vô cơ có độc tính mạnh, arsen hữu cơ có nguồn gốc tự nhiên từ sự phân hủy các loài cá, hải sản, không có độc tính và đào thải nhanh chóng khỏi cơ thể con người.

Thạch tín tồn tại ở những đâu?

Độc tính của asen vô cơ cao gấp 4 lần thuỷ ngân, được công nhận là các chất gây ung thư hàng đầu. Asen và các hợp chất của asen được sử dụng làm thuốc trừ dịch sâu, thuốc diệt cỏ và trong sản xuất các hợp kim. Asen hầu như có mặt trong các loại thực phẩm con người ăn hàng ngày và trong bầu không khí chúng ta vẫn hít thở.

Asen hữu cơ tồn tại trong gạo, thịt, sản phẩm từ sữa, ngũ cốc, cá, các loại hải sản. Asen có trong các loại này thường không độc và bài tiết qua nước tiểu 48h sau khi ăn.

Tuy nhiên, với loại asen vô cơ, thường có trong nước ngầm, tích tụ trong đất đá lại là nguồn nguy hiểm. Do đó, việc sử dụng nước ngầm (không qua hệ thống lọc) để ăn uống, sinh hoạt là việc rất nguy hiểm.

Triệu chứng khi ngộ độc thạch tín

Thạch tín đi vào vào cơ thể con người qua 3 đường chính là: Hô hấp, tiêu hóa và qua da. Ở mức độ bình thường, mỗi ngày chúng ta đều nạp vào cơ thể một lượng asen nhất định nhưng liều lượng cực kỳ thấp và được bài tiết qua nước tiểu nên không gây ra bất kỳ tác động ngộ độc cấp tính nào đối với cơ thể.

Việc ăn uống những thực phẩm chứa asen như trên vẫn an toàn cho sức khỏe. Điều quan trọng nhất là cần khống chế lượng asen độc từ nước ngầm và tránh để cơ thể nhiễm asen quá cao (thường xuyên ăn những thực phẩm nhiễm asen trong một thời gian dài).

Đối với những người bị nhiễm độc asen mãn tính, xảy ra do tích lũy liều lượng nhỏ asen trong thời gian dài thì sẽ có các biểu hiện như:

- Xuất hiện các mảng dày sừng: Trên lòng bàn tay, bàn chân nổi lên các sẩn giống như mụn cơm, lan rộng thành mảng. Chúng thường mọc đối xứng hai bên, đôi khi xuất hiện cả ở lưng, bụng, đùi, cẳng chân, cánh tay. Da vùng này vàng, có thể có vết nứt nẻ.

- Tê buốt đầu ngón tay ngón chân: Là biểu hiện tắc mạnh đầu chi. Từ tê, bệnh nhân dần cảm thấy đau buốt. Do thiếu máu, các ngón có thể bị hoại tử.

- Các biểu hiện khác bao gồm: Sạm da từng đám lan tỏa, rụng tóc nhiều, rối loạn tiêu hóa, xơ gan, tăng huyết áp, nhiễm độc thai nghén, sinh con nhẹ cân, sảy thai...

Do đó, để phòng ngừa nhiễm độc asen, các chuyên gia khuyến cáo, người dân nên sử dụng nguồn nước đảm bảo an toàn, không dùng nước ngầm trực tiếp để đun nấu, sinh hoạt; không tự ý dùng các loại thuốc, dược liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ và thành phần.