Thán từ là gì? Phân loại, vai trò và cách sử dụng thán từ

Trong cuộc sống hàng ngày, rất có thể bạn đã thường xuyên nghe những từ ngữ như “than ôi”, “trời đất ơi”, “vâng” hay “dạ”. Những từ như vậy được gọi là thán từ.

Vậy thán từ là gì? Có những loại thán từ nào, chức năng của chúng ra sao? Dùng thán từ như nào cho hiệu quả? Bài viết sau đây của Kinhcan.vn sẽ giúp bạn đọc giải đáp các thắc mắc đó.

1. Thán từ là gì?

Thán từ được định nghĩa là những từ được thêm vào câu để biểu đạt thái độ, cảm xúc hoặc tình cảm của người nói, người viết đối với sự vật, sự việc được nhắc tới.

Về mặt này, thán từ có điểm khá tương đồng với tình thái từ khi đều được thêm vào câu để bộc lộ cảm xúc, tuy nhiên chúng có sự khác biệt về vị trí cũng như tính chất sẽ được nhắc tới ở phần sau.

Một số ví dụ về thán từ: than ôi, hỡi ôi, ôi, trời ơi, trời đất ơi, trời đất quỷ thần ơi, ôi chao, chao ơi, dạ, vâng, vâng ạ, dạ vâng ạ, ơ kìa, ôi kìa...

2. Phân loại thán từ như thế nào?

Để phân loại thán từ, người ta thường dựa vào chức năng của chúng. Có hai loại thán từ thường gặp là thán từ biểu thị cảm xúc và thán từ gọi đáp.

2.1. Thán từ biểu thị cảm xúc

Thán từ biểu thị cảm xúc là những thán từ sử dụng để bộc lộ tình cảm, cảm xúc, thái độ của người nói học người viết. Thông thường, những cảm xúc mà thán từ biểu đạt bao gồm, ngạc nhiên, giận dữ, đau khổ.

Ví dụ:

- Hỡi ôi! Sao cuộc đời này lại thật nhẫn tâm với cô ấy như vậy!

Thán từ “hỡi ôi” được thêm vào đầu câu để tạo cảm xúc thương cảm.

- Trời đất ơi, cậu ấy vô địch giải đấu rồi!

Thán từ “trời đất ơi” được thêm vào để tạo cảm xúc hân hoan, vui sướng xen chút ngạc nhiên.

- Than ôi! Thật đau lòng biết bao!

Thán từ “than ôi” được thêm vào đầu câu để tạo cảm xúc đau lòng, giằng xé.

2.2. Thán từ gọi đáp

Ngoài khả năng bộc lộ cảm xúc, thán từ còn có chức năng tạo câu gọi đáp, câu đối đáp. Chẳng hạn, những từ như “vâng”, “dạ”, “này”, “kìa” được thêm vào câu để gọi và đáp lời với người khác.

Tuy mục đích chính dùng để gọi đáp, những thán từ này cũng có khả năng biểu đạt cảm xúc đến một mức độ nhất định.

Chẳng hạn, nếu ta sử dụng từ “vâng”, chúng ta sẽ biểu đạt thái độ lễ phép, kính trọng với người đối diện. Còn nếu chúng ta sử dụng từ “này”, nó mang sắc thái thân mật, suồng sã hoặc ở một số trường hợp thì là thiếu tôn trọng.

3. Cách sử dụng thán từ là gì?

Thán từ thường được thêm vào đầu câu hoặc cuối câu, chẳng hạn như “Này cậu kia, lại đây tôi bảo!”. Trong câu này, thán từ “này” được thêm vào để gọi nhân vật được nhắc đến.

Trong một số trường hợp khác, thán từ có thể được tách thành một câu độc lập mà không cần bất kỳ chủ ngữ hay vị ngữ đi kèm. Trong trường hợp đó, câu được gọi là câu độc lập.

Ví dụ: 

- Lát nữa chị đem cho em mấy con gà trống nhé!

- Vâng. Em cám ơn chị ạ.

Trong ví dụ trên, thán từ “vâng” được thêm vào để đối đáp với nhân vật trong đoạn hội thoại.

Hay chúng ta có một ví dụ khác tương tự:

- Cậu nghe tin gì chưa? Thảo đỗ đại học rồi đấy!

- Ôi! Mừng cho bạn ấy quá.

Trong ví dụ trên, thán từ “ôi” được tách ra làm một câu, thể hiện cảm xúc ngạc nhiên, vui mừng.

Như vậy, có thể thấy rằng thán từ có những chức năng và vị trí khác nhau trong câu. Để sử dụng hợp lý, chúng ta cần xác định rõ bối cảnh giao tiếp cũng như tình cảm, cảm xúc mà chúng ta muốn thể hiện.

4. Vai trò của thán từ

Thán từ là một loại từ có chức năng quan trọng cảu tiếng Việt. Nó giúp người đọc, người viết dễ dàng bộc lộ cảm xúc của mình, giúp cho văn bản và giao tiếp hàng ngày trở nên “có hồn” hơn.

Thông thường, thán từ được sử dụng trong văn nói nhiều hơn văn viết bởi tính chất biểu đạt của nó. Tuy vậy, cũng có một số trường hợp chúng ta có thể sử dụng thán từ trong văn viết để tạo cảm xúc, tăng hiệu quả biểu đạt và truyền tải ý đồ văn chương tốt hơn.

5. Phân biệt thán từ và tình thái từ

Do đều có khả năng bộc lộ cảm xúc, thán từ và tình thái từ thường gây nhầm lẫn. Tuy nhiên, giữa chúng đều có điểm khác biệt nhất định, bạn đọc cần chú ý để phân biệt.

Cụ thể, tình thái từ là những từ được thêm vào vị trí cuối cùng của câu. Trong khi đó, thán từ thường được thêm vào đầu câu văn hoặc tách riêng thành một câu đơn lẻ.

Ví dụ:

- Lát nữa tớ đưa quyển sách cho cậu nha!

Trong câu trên, từ “nha” là tình thái từ.

- Này, lát đưa quyển sách cho tớ.

Trong câu trên, từ “này” là thán từ.

Ngoài ra, thán từ và tình thái từ cũng có sự khác biệt về chức năng. Tuy đều có khả năng tạo cảm xúc, sắc thái cho câu, chúng đều đảm nhận thêm một chức năng khác.

Với tình thái từ, chúng còn được thêm vào câu để tạo câu theo mục đích của người nói, chẳng hạn như câu cầu khiến, câu cảm thán hay câu nghi vấn.

Trong khi đó, chức năng thứ hai của thán từ là để gọi đáp, đối đáp với đối phương trong cuộc hội thoại.

LỜI KẾT

Như vậy, bạn đọc vừa hiểu thêm về khái niệm, cách phân loại, cách dùng của thán từ cũng như biết cách phân biệt thán từ với tình thái từ. Hi vọng bài viết này của Kinhcan.vn sẽ giúp các bạn áp dụng tốt loại từ này trong học tập và trong cuộc sống hàng ngày.