Từ ghép đẳng lập là gì? Phân biệt và phân loại từ ghép đẳng lập

Từ ghép đẳng lập là một kiến thức quan trọng và thường gặp trong tiếng Việt. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc hiểu về từ ghép đẳng lập cũng như nhận biết loại từ ghép này.

1. Khái niệm từ ghép đẳng lập

Từ ghép đẳng lập là một loại từ ghép, vì vậy để tìm hiểu về từ ghép đẳng lập, trước tiên ta cần tìm hiểu về từ ghép. Đây cũng là một mảng kiến thức vô cùng quan trọng của tiếng Việt.

1.1. Từ ghép là gì?

Từ ghép là một phân loại của từ phức, là các từ có từ hai tiếng trở lên ghép lại với nhau, khác với từ đơn chỉ có một tiếng duy nhất. Do được tạo bởi nhiều tiếng ghép lại vì vậy từ ghép mang nghĩa và sắc thái sinh động và phong phú.

Trong từ ghép, tất cả các tiếng khi đứng riêng lể bắt buộc phải là tiếng có nghĩa (hay còn gọi là từ đơn). Nếu có ít nhất một tiếng không có nghĩa thì đó sẽ không phải là từ ghép mà là từ láy.

Từ ghép có thể được ghép từ một danh từ với một tính từ, ghép từ hai tính từ hay ghép từ một động từ và một tính từ. Chính vì được ghép từ nhiều loại từ khác nhau nên số lượng từ ghép rất lớn và đa dạng về mặt ý nghĩa biểu thị.

1.2. Từ ghép đẳng lập là gì?

Trong từ ghép, chúng ta có thể phân ra hai loại là từ ghép chính phụ và từ ghép đẳng lập. Cách phân loại này dựa trên quan hệ về nghĩa giữa các tiếng có trong từ ghép.

Từ ghép chính phụ được tạo bởi các tiếng, trong đó nghĩa của tiếng này có quan hệ phụ thuộc vào nghĩa của tiếng kia, chúng được gọi là tiếng chính, tiếng phụ.

Trong đó, tiếng chính thông thường có nghĩa bao quát và tiếng phụ giúp chuyên biệt hóa nghĩa của tiếng chính. Thông thường, tiếng chính đứng trước còn tiếng phụ đứng sau tiếng chính, bổ sung nghĩa cho tiếng chính.

Ví dụ: con mèo (“con” là tiếng chính, “mèo” là tiếng phụ).

Ngược lại, từ ghép đẳng lập không phân ra tiếng chính và tiếng phụ. Thay vào đó, nghĩa của các tiếng trong từ đẳng lập có tính bình đẳng và độc lập với nhau.

Nghĩa của loại từ ghép này thường có tính khái quát, nói chung hơn so với từ ghép chính phụ. Chẳng hạn, “con vật” chỉ các loài vật nói chung là từ ghép đẳng lập, “con dê” chỉ cụ thể một loài vật là từ ghép chính phụ.

Một số ví dụ khác về từ ghép đẳng lập có thể kể đến như: bếp núc, gà qué, phố xá, sông ngòi, kênh mương, đạm bạc, tươi tốt, xinh đẹp.

2. Phân loại từ ghép đẳng lập

Để phân loại từ ghép đẳng lập, chúng ta thường dựa vào vai trò của các tiếng trong từ ghép đó. Có ba phân loại của từ ghép đẳng lập là từ ghép gộp nghĩa, từ ghép đơn nghĩa và từ ghép lặp nghĩa.

2.1. Từ ghép đẳng lập lặp nghĩa

Từ ghép đẳng lập lặp nghĩa là loại từ ghép đẳng lập mà nghĩa của cả từ ghép giống với nghĩa của từng tiếng tạo nên nó, sự khác biệt là rất nhỏ, không đáng kể.

Ví dụ: từ ghép đẳng lập “binh lính” có nghĩa chỉ người trong quân đội, giống với nghĩa của tiếng “binh” hay tiếng “lính” khi đứng đơn lẻ.

Từ ghép đẳng lập “cao lớn” mang nghĩa chỉ sự lớn về kích thước của một người, tương đương nghĩa của tiếng “cao” và tiếng “lớn” khi đứng một mình.

2.2. Từ ghép đẳng lập đơn nghĩa

Từ ghép đẳng lập đơn nghĩa là loại từ ghép đẳng lập mà nghĩa của nó chỉ giống với nghĩa của một tiếng duy nhất trong tất cả tiếng cấu thành.

Ví dụ: Từ ghép đẳng lập “ăn nói” mang ý chỉ việc nói năng, chỉ đồng nghĩa với tiếng “nói” chứ không đồng nghĩa với tiếng “ăn”.

Từ ghép đẳng lập “ăn măc” chỉ cách mặc, phong cách thời trang nói chung, giống với nghĩa của tiếng “mặc” chứ không giống nghĩa của tiếng “ăn”.

2.3. Từ ghép đẳng lập gộp nghĩa

Khác với hai loại từ ghép đẳng lập đơn nghĩa và từ ghép đẳng lập lặp nghĩa, từ ghép đẳng lập gộp nghĩa có ý nghĩa biểu đạt là sự tổng hợp của nghĩa các tiếng tạo nên nó. Nếu thiếu bất cứ tiếng nào, nghĩa của từ ghép đẳng lập gộp nghĩa cũng sẽ thay đổi.

Chẳng hạn, từ ghép đẳng lập “quần áo” mang ý chỉ những thứ được con người mặc lên nói chung. 

Nếu lược bớt tiếng “áo”, ta còn tiếng “quần” chỉ một thứ đồ được mặc cho phần thân dưới. Nếu lược bớt tiếng “quần”, ta còn tiếng “áo” chỉ thứ đồ được mặc cho phần thân trên.

Hoặc một ví dụ khác như từ thịt cá để chỉ các loại thức ăn từ động vật nói chung. Nếu lược còn tiếng “cá” thì chỉ mang nghĩa chỉ một loài động vật dưới nước, nếu lược còn tiếng “thịt” thì mang nghĩa chỉ các loài động vật như gà, lợn, hay bò.

3. Phân biệt từ ghép đẳng lập và từ ghép chính phụ

Như đã trình bày ở phần trên, từ ghép đẳng lập và từ ghép chính phụ sẽ dễ gây nhầm lẫn do các tiếng cấu thành chúng đều có nghĩa khi đứng độc lập.

Do vậy để phân biệt, bạn đọc cần xác định mối quan hệ về nghĩa của các tiếng cấu thành cũng như nghĩa của cả từ nói chung.

Đầu tiên là về mối quan hệ về nghĩa giữa các tiếng cấu thành. Từ ghép chính phụ là từ ghép có mối quan hệ chính phụ giữa các tiếng, tiếng phụ mang tính bổ sung nghĩa cho tiếng chính, chẳng hạn như “môn Toán”, “đỏ au”, “con cá”.

Ngược lại, trong từ ghép đẳng lập, các tiếng có nghĩa mang tính ngang hàng và độc lập với nhau, không phân biệt chính hay phụ. Chẳng hạn ta có từ “ao làng”, “cơm nước” là từ ghép đẳng lập, không có tiếng chính hay tiếng phụ.

Một cách phân loại khác có thể sử dụng là nghĩa của từ ghép đó. Từ ghép đẳng lập thường mang nghĩa rộng, bao quát như “quần áo”, trong khi từ ghép chính phụ thường mang nghĩa cụ thể, chẳng hạn như “quần bò”, “quần âu”.

4. Câu ghép đẳng lập là gì?

Chúng ta còn có thể áp dụng mối quan hệ đẳng lập cho câu, cụ thể là câu ghép đẳng lập. Trước tiên ta cần hiểu khái niệm câu ghép.

4.1. Câu ghép là gì?

Theo kiến thức tiếng Việt, câu ghép là những câu được tạo ra bởi nhiều vế câu, phân biệt với câu đơn chỉ có một vế câu duy nhất. 

Các vế của câu ghép có đầy đủ các bộ phận giống như một câu đơn, tức là bao gồm chủ ngữ, vị ngữ và có nghĩa hoàn chỉnh. Nếu tách các vế của câu ghép, ta vẫn được một câu đơn hoàn chính.

Ví dụ: Tôi ăn rau còn Mai ăn cá.

Trong câu trên, chúng ta có hai vế câu “Tôi ăn cơm” và “Mai ăn cá”. Nếu tách hai vế câu này thành các câu đơn, chúng vẫn có nghĩa hoàn chỉnh. Hai vế này được ghép bởi quan hệ từ “còn”, cũng là một kiến thức quan trọng của tiếng Việt.

4.2. Câu ghép đẳng lập là gì?

Tương tự từ ghép đẳng lập, câu ghép đẳng lập là câu ghép mà nghĩa của các vế không phụ thuộc vào nhau, thay vào đó chúng có nghĩa độc lập và bình đẳng với nhau.

Ví dụ trên là ví dụ tiêu biểu về câu ghép đẳng lập khi cả hai vế “Tôi ăn rau” và “Mai ăn cá” không phân biệt vế chính, vế phụ mà giữ vai trò tương đương trong câu.

Đối ngược với câu ghép đẳng lập là câu ghép chính phụ, trong đó các vế câu có quan hệ về mặt nghĩa với nhau. Chẳng hạn, câu “Nếu cậu học chăm thì cậu sẽ đạt điểm tốt” là câu ghép chính phụ bởi chúng có quan hệ nhân - quả, chúng ta phải “học chăm” thì mới “đạt điểm tốt”.

LỜI KẾT

Trên đây, Wikihoidap vừa trình bày cho bạn đọc những kiến thức, đặc điểm, phân loại và cách phân biệt của từ ghép và câu ghép đẳng lập. Hy vọng những kiến thức này sẽ giúp bạn sử dụng tốt loại từ ghép này trong học tập và trong công việc.