Văn tự sự là gì? Đặc điểm, yêu cầu và cách làm văn tự sự.

Học sinh phổ thông không ít bạn đang gặp rất nhiều khó khăn, khi thay đổi cách làm văn từ tiểu học sang trung học cơ sở. Văn tự sự là gì? Yếu tố tự sự là gì? Đặc điểm về văn tự sự? Sự việc trong văn tự sự là gì? Cùng Wikihoidap giải đáp các thắc mắc trên qua bài viết dưới đây nhé.

Văn tự sự là gì?

Khái niệm văn tự sự và ví dụ:

Tuy đây là thể văn được sử dụng nhiều trong đời sống nhưng rất ít người nắm được định nghĩa văn tự sự là gì. Tự sự là một loại văn học có phương thức trình bày một chuỗi sự việc,từ sự việc này đến sự việc kia,cuối cùng dẫn đến một kết thúc,thể hiện một ý nghĩa.Tự sự giúp người đọc và gười nghe có thể hiểu rõ sự việc, con người, hiểu rõ vấn đề, từ đó bày tỏ thái độ khen chê. Tự sự rất cần thiết trong cuộc sống, trong giao tiếp, trong văn chương.  

Các tác phẩm điển hình cho thể văn tự sự  có hằng hà sa số, rất đỗi quen thuộc, điển hình như Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân, Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung...

Cấu trúc của bài văn tự sự:

Sau khi đã tìm hiểu định nghĩa, bạn cũng nên hiểu thêm về cấu trúc của thể loại này. Thông thường cấu trúc của văn tự sự chia làm 3 phần:

  • Mở bài: Giới thiệu nhân vật, sự vật và sự việc của câu chuyện.
  • Thân bài: Diễn biến của sự việc, thể hiện nội dung người kể muốn truyền đạt.
  • Kết bài: Kết thúc câu chuyện và thái độ của người kể, ý nghĩa câu chuyện.

Đặc điểm về văn tự sự:

  • Tác phẩm tự sự phản ánh đời sống khách quan thông qua các sự kiện, hệ thống sự kiện: thể hiện một bức tranh khách quan về thế giới, về những gì tồn tại bên ngoài người trần thuật, không phụ thuộc và ý muốn và tình cảm của họ. Tất cả những sự việc, sự kiện, biến cố bên ngoài hay những cảm xúc, tâm trạng, ý nghĩ bên trong được nhà văn xem như đối tượng để phân tích.
  • Tác phẩm tự sự có khả năng phản ánh hiện thực một cách rộng lớn, bao quát: trong tác phẩm tự sự, không gian và thời gian không bị hạn chế. Nhân vật tự sự được khắc họa đầy đủ, nhiều mặt, triển khai sâu rộng trong nhiều mối quan hệ đa dạng và phong phú. Nhân vật được khắc họa từ ngoại hình đến nội tâm, cả quá khứ, hiện tại và tương lai.
  • Tác phẩm tự sự luôn luôn có hình tượng người trần thuật: làm nhiệm vụ tường thuật, kể chuyện để phân tích, nghiên cứu, khêu gợi, bình luận, cắt nghĩa những quan hệ phức tạp giữa nhân vật và nhân vật, giữa nhân vật và hoàn cảnh…Trong tác phẩm tự sự, hình tượng người trần thuật giữ một vai trò hết sức quan trọng và luôn luôn muốn hướng dẫn, gợi ý cho người đọc nên hiểu nhân vật, hoàn cảnh… như thế nào.
  • Lời văn trong tác phẩm tự sự: chủ yếu là lời văn kể chuyện, miêu tả.

Cách làm bài văn tự sự:

Tuỳ theo từng dạng bài tự sự ở lớp 6 để có cách trình bày dàn ý và viết bài cho phù hợp. Dưới đây là một vài gợi dẫn khi làm bài Văn tự sự.

  • Với dạng bài: Kể lại một câu chuyện đã được học bằng lời văn của em – Yêu cầu cốt truyện không thay đổi.

– Chú ý phần sáng tạo trong mở bài và kết luận.

– Diễn đạt sự việc bằng lời văn của cá nhân cho linh hoạt trong sáng.

  • Với dạng bài: Kể về người

– Chú ý tránh nhầm sang văn tả người bằng cách kể về công việc, những hành động, sự việc mà người đó đã làm như thế nào. Giới thiệu về hình dáng tính cách thể hiện đan xen trong lời kể việc, tránh sa đà vào miêu tả nhân vật đó.

  • Với bài: Kể về sự việc đời thường

– Biết hình dung trình tự sự việc cho xác thực, phù hợp với thực tế. – Sắp xếp sự việc theo thứ tự nhằm nổi bật ý nghĩa câu chuyện – Lựa chọn ngôi kể cho đúng yêu cầu của bài văn.

  • Cách kể một câu chuyện tưởng tượng:

– Thay đổi hay thêm phần kết của một câu chuyện dân gian.

– Hình dung gặp gỡ các nhân vật trong truyện cổ dân gian.

– Tưởng tượng gặp gỡ những người thân trong giấc mơ….

– Xác định được đối tượng cần kể là gì? (sự việc hay con người) – Xây dựng tình huống xuất hiện sự việc hay nhân vật đó.

– Tưởng tượng các sự việc, hoạt động của nhân vật có thể xảy ra trong không gian cụ thể như thế nào?

Các phương thức biểu đạt khác trong văn tự sự:

Bên cạnh khái niệm và đặc điểm của văn tự sự, bạn cần nắm được các phương thức phụ trợ được sử dụng trong văn tự sự. Văn tự sự cơ bản là kể chuyện, nhưng nếu chỉ đơn giản như vậy thì câu chuyện mình muốn truyền đạt rất khô khan, không lấy được sự đồng cảm của người đọc. Vì thế, cần có sự kết hợp với nhiều phong cách biểu đạt khác như miêu tả hay biểu cảm để câu chuyện nhiều cảm xúc và hình ảnh, khiến câu chuyện trở nên sinh động hơn.

Trên đây là tổng hợp các kiến thức về văn tự sự là gì và cách triển khai văn bản tự sự, hy vọng sẽ cung cấp cho bạn những kiến thức bổ ích trong quá trình học tập. Chúc các bạn học tập thật tốt! Hãy để lại các ý kiến bên dưới, Wikihoidap.org sẽ hỗ trợ nhé.