Xuất siêu là gì? Vai trò, tác động và ảnh hưởng của xuất siêu

Xuất siêu là gì và có ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam như thế nào? Bạn cùng tìm hiểu với Wikihoidap.org trong bài viết này nhé!

Thế kỷ hai mốt, xu hướng toàn cầu hóa - hội nhập hóa đang diễn ra ngày càng sâu rộng trong mọi lĩnh vực đời sống Việt Nam. Đặc biệt ở lĩnh vực kinh tế, hàng hóa Việt Nam dần trở thành lựa chọn của nhiều thị trường lớn trên thế giới.

Năm 2020, Việt Nam đạt mức bứt phá lượng hàng xuất khẩu, đảo chiều cán cân hàng hóa từ nhập siêu sang xuất siêu, đánh dấu một năm đại thành công của kinh tế Việt Nam.

Vậy xuất siêu là gì và có ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam như thế nào? Bạn cùng tìm hiểu với Wikihoidap.org trong bài viết này nhé!

1. Xuất siêu là gì?

Trước khi đi sâu vào phân tích ảnh hưởng thực tế của xuất siêu, bạn đọc sẽ cần hiểu rõ định nghĩa xuất siêu và các khái niệm liên quan đến chủ điểm này.

1.1. Khái niệm xuất siêu

Theo từ điển chuyên ngành kinh tế, thuật ngữ xuất siêu là từ chỉ trạng thái cán cân thương mại ở giá trị lớn hơn không, giá trị xuất khẩu trừ giá trị nhập khẩu ra hữu số dương.

Tình trạng xuất siêu chỉ xác định ở một thời điểm cụ thể, không xét độ dài thời gian. Vì vậy, một nước có thể vừa là nước xuất siêu, vừa là nước nhập siêu tùy thời điểm điều tra.

1.2. Một số khái niệm liên quan

Ngoài thuật ngữ chính xuất siêu, một vài khái niệm xuất hiện trong cách định nghĩa phía trên cũng sẽ được làm rõ để giúp bạn đọc nắm chắc chủ điểm kiến thức này.

Thứ nhất, xuất khẩu đề cập đến hành vi trao đổi, buôn bán hàng hóa từ trong nước ra nước ngoài. Bắt nguồn từ mục đích thu lợi dưới hình thức cá nhân, xuất khẩu dần phát triển có hệ thống, hình thành mối liên kết chặt chẽ giữa chuỗi các cửa hàng nhằm thúc đẩy nền kinh tế quốc nội và nâng cao đời sống nhân dân.

Trái lại, nhập khẩu chỉ hành động mua, vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu từ thị trường nước ngoài nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và sản xuất của thị trường quốc nội.

Cả hai quy trình xuất khẩu và nhập khẩu đều sẽ cần tuân thủ quy định của Hải quan, đáp ứng tiêu chuẩn về thuế, số lượng, chất lượng sản phẩm để được tiến hành hoạt động thương mại.

Thứ hai, kim ngạch xuất khẩu đề cập đến tổng giá trị của toàn bộ hàng xuất khẩu tại một quốc gia ở thời điểm nhất định. Tương tự, kim ngạch nhập khẩu chỉ tổng chi phí cho hàng hóa nhập ngoại.

Kim ngạch xuất khẩu tăng đồng nghĩa với sự tăng trưởng tích cực của các doanh nghiệp quốc nội, nguồn thu ngoại tệ lớn, tốc độ phát triển ổn định.

2. So sánh xuất siêu và nhập siêu

Từ các khái niệm cơ bản ở phần trên, chắc hẳn bạn đọc cũng có khả năng suy luận ra điểm khác biệt giữa xuất siêu và nhập siêu. Hai định nghĩa này chỉ rõ tình trạng của sự chênh lệch trong cán cân xuất nhập khẩu.

Nếu kim ngạch xuất khẩu lớn hơn nhập khẩu thì kinh tế quốc gia sẽ được coi là xuất siêu. Ngược lại, tổng kim ngạch nhập khẩu lớn hơn xuất khẩu, nền kinh tế đó sẽ đang ở tình trạng nhập siêu.

Trong trường hợp kim ngạch xuất khẩu tương đương với kim ngạch nhập khẩu, kinh tế quốc gia sẽ tồn tại sự cân bằng trong cán cân xuất - nhập khẩu.

3. Vai trò của xuất khẩu

Xuất khẩu đóng vai trò quan trọng cho sự tăng trưởng của doanh nghiệp và nền kinh tế chung của Việt Nam. Không chỉ góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại, xuất khẩu còn cải thiện đời sống nhân dân ta ấm no, hạnh phúc.

3.1. Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Tỉ lệ xuất khẩu là thước đo quan trọng cho sức khỏe ổn định của nền kinh tế quốc nội, đặc biệt trong trường hợp sức tiêu thụ của thị trường nội địa thấp.

Xuất khẩu đưa hàng hóa sang nước ngoài, giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ và quy mô sản xuất. Hoạt động xuất khẩu vừa thu lợi nhuận trực tiếp về cho công ty kinh doanh, vừa thu nguồn ngoại tệ về cho quốc gia.

Đồng thời, trong quá trình tiến hành xuất khẩu hàng hóa, doanh nghiệp nội địa cũng cần tự nâng cao khả năng cạnh tranh, chất lượng sản phẩm nhằm vượt qua rào cản thuế quan, kiểm định khốc liệt ở các thị trường lớn.

Từ đó, chất lượng sản phẩm cho người tiêu dùng trong nước và khả năng của doanh nghiệp cũng trở nên tốt hơn.

3.2. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Chuyển dịch cơ cấu xảy ra dưới sự tác động đồng thời của nhiều yếu tố như tiến bộ khoa học kỹ thuật, tốc độ tăng trưởng kinh tế. Hoạt động xuất khẩu đóng góp vào quá trình chuyển đổi này từ những nguyên do sau:

Thứ nhất, xuất khẩu đẩy sản phẩm quốc nội sang thị trường quốc tế, thúc đẩy quá trình mở rộng thị trường và nâng cao năng lực sáng tạo của các ngành sản xuất trong nước.

Thứ hai, xuất khẩu gắn liền với xu thế phát triển chung trên toàn cầu, từ đó định hướng cho các ngành sản xuất trong nước về sản phẩm chủ lực đáp ứng đúng nhu cầu tiêu dùng.

Thứ ba, xuất khẩu tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước liên kết hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài. Thông qua đó, sức mạnh doanh nghiệp nội địa được củng cố nhờ kỹ thuật tiên tiến, vốn đầu tư quốc ngoại rồi tổng hòa cho sự phát triển chung của dân tộc.

3.3. Cải thiện đời sống nhân dân

Song hành với quá trình mở rộng sản xuất của doanh nghiệp, vị trí lao động cần thiết trong các nhà máy, xí nghiệp cũng sẽ tăng thêm. Điều này tạo cơ hội việc làm cho đồng bào, nâng cao thu nhập cho người dân.

Xuất khẩu còn mang về nguồn vốn để cung cấp, cải thiện cơ sở hạ tầng giúp nâng cao điều kiện sinh sống, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân.

3.4. Cầu nối trong hợp tác đối ngoại

Xuất khẩu còn được coi là cầu nối giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp quốc tế, chính sách kinh tế quốc nội và hoạt động kinh tế toàn cầu.

Những mối liên kết trong hoạt động xuất khẩu đã phát triển sâu hơn trong nhiều lĩnh vực khác như tài chính, chính trị.

Đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, nhà nước gia nhập các cộng đồng kinh tế khu vực, quốc tế đồng thời thúc đẩy chiến lược công nghiệp hóa - hiện đại hóa hiện nay.

4. Ảnh hưởng của xuất siêu đến kinh tế Việt Nam

Từ vai trò quan trọng của hoạt động xuất khẩu trong sự phát triển kinh tế, tình trạng xuất siêu chắc chắn sẽ có nhiều ảnh hưởng mạnh mẽ đối với nền kinh tế Việt Nam. Vậy tỉ lệ xuất siêu ngụ ý các dấu hiệu tích cực hay những nguy hiểm tiềm ẩn, Wiki hỏi đáp sẽ làm rõ với bạn đọc ngay dưới đây.

4.1. Tác động tích cực

Dựa trên phân tích của các chuyên gia kinh tế, xuất siêu mang đến vô số lợi ích tuyệt vời cho nền kinh tế nước ta.

Điểm tích cực nhất có thể quan sát rõ qua nguồn cung ngoại tệ, yếu tố giúp ổn định thị trường ngoại hối và cán cân thanh toán quốc tế của Nhà nước.

Đồng thời, việc duy trì mức ngoại tệ ổn định giúp Ngân hàng nhà nước điều tiết thị trường tài chính trong nước tốt hơn, tránh khủng hoảng hoặc lạm phát ở thị trường nội địa.

Xét từ điểm nhìn doanh nghiệp, xuất siêu thúc đẩy sự tăng trưởng vượt bậc ở những công ty nội địa.

Cụ thể, khi Việt Nam ghi nhận tình trạng xuất siêu năm 2020, khối doanh nghiệp quốc nội đã vượt mức lợi nhuận của khối doanh nghiệp FDI, trái với những năm trước.

Hoạt động xuất khẩu còn thúc đẩy quá trình hợp tác giữa Việt Nam và quốc tế. Hàng loạt hiệp định thương mại đã được ký kết nhằm đưa hàng hóa Việt Nam ra thị trường trọng điểm ở thế giới, tiêu biểu có thể kể đến Hiệp định tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Những hiệp định này cũng mở cánh cửa mới cho doanh nghiệp quốc nội, giúp nhà sản xuất vươn đến thị trường rộng lớn hơn, lợi nhuận cao hơn.

4.2. Tác động tiêu cực

Tuy nhiên, sự việc nào cũng có hai mặt tương đối. Tỷ lệ xuất siêu còn ẩn dụ cho những mối nguy hiểm khôn lường nếu có những điều chỉnh, chính sách đúng đắn từ nhà nước, doanh nghiệp.

Nếu nhìn tổng thể về kim ngạch xuất khẩu, tỷ lệ xuất siêu ở Việt Nam là một thành tích vô cùng ấn tượng và đáng để phát huy. Đi sâu vào từng mảng chi tiết, sự cân đối trong từng mặt hàng xuất - nhập khẩu còn nhiều vấn đề quan ngại.

Theo nhận định của chuyên gia, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào khối doanh nghiệp FDI.

Cụ thể, thống kê chính thức của Bộ Công thương năm 2020 chỉ ra rằng doanh nghiệp FDI xuất siêu 34,6 tỷ USD thì doanh nghiệp quốc nội lại nhập siêu đến 15,5 tỷ USD.

Xét theo tỷ trọng phần trăm, doanh nghiệp FDI đã nâng mức xuất khẩu từ 63,1% năm 2012 lên đến 75,2% vào quý đầu năm 2021. Một con số đáng báo động cho doanh nghiệp quốc nội Việt Nam.

Xét từng ngành hàng, doanh nghiệp FDI chiếm tỷ trọng cao trong cả những ngành sản xuất công nghệ lẫn thủ công nghiệp, chẳng hạn như ngành hàng điện tử, máy tính (98%), điện thoại, linh kiện (99,1%), giày dép (81,9%).

Những con số trên đã phản ánh vị trí chủ lực của khối FDI trong kim ngạch xuất khẩu Việt Nam, đồng thời cảnh báo về năng lực cạnh tranh yếu kém của doanh nghiệp quốc nội.

Bên cạnh đó, nhiều ngành hàng xuất khẩu ở Việt Nam vẫn còn phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập ngoại.

Tình trạng này có thể dẫn đến khủng hoảng kinh tế đột ngột khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, ví dụ trong đại dịch Covid toàn cầu hiện nay.

Mối nguy hại này cần được nhận thức rõ và có những chính sách cụ thể để đảm bảo sự phát triển bền vững của kinh tế Việt Nam.

5. Hiện trạng cán cân xuất nhập khẩu Việt Nam

Năm 2021, mặc dù phải đương đầu với đại dịch nguy hiểm Covid và sự bất ổn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, hoạt động xuất nhập khẩu Việt Nam vẫn thu về nhiều thành tích đáng ghi nhận.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt mức 670 tỷ USD, tăng trưởng hơn hai mươi phần trăm so với tổng kim ngạch năm 2020. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu chiếm hơn nửa với 336 tỷ USD, ghi nhận mức tăng 19% so với cùng kỳ năm trước.

Con số này in mốc sáu năm liên tiếp Việt nam đạt trạng thái xuất siêu, duy trì mức thặng dư khoảng 4 tỷ USD dù chịu hạn chế nghiêm trọng của dịch Covid.

Cụ thể hơn, mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên mười tỷ đô tăng lên con số 8, mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên một tỷ đô cũng vượt mốc 35 ngành hàng.

Đồng thời, tận dụng lợi thế từ các Hiệp định tự do thương mại, doanh nghiệp Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương và Chính phủ mở rộng thị trường tiêu thụ của hàng hóa Việt Nam.

Hàng loạt sản phẩm quốc nội được xuất khẩu sang các thị trường lớn, có danh tiếng vững chắc và khả năng cạnh tranh với hàng quốc tế như Mỹ, EU, Nhật, Úc.

Chính sách hội nhập của Nhà nước cũng mang về hiệu quả rõ rệt, làm giảm mức độ phụ thuộc của hoạt động xuất - nhập khẩu vào thị trường cố định hay vẫn duy trì sự tăng trưởng bất chấp sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

6. Chính sách thúc đẩy xuất khẩu của Nhà nước Việt Nam

Để phát huy lợi thế xuất siêu và các ảnh hưởng tích cực từ trạng thái này, chính phủ Việt Nam đã đưa ra định hướng cụ thể cho các chương trình chính sách như sau.

Căn cứ Quyết định số 2471/QĐ-TTg, Chính phủ khẳng định xuất khẩu là chủ lực cho sự phát triển của kinh tế Việt Nam.

Trong quá trình tiến hành mục tiêu tăng trưởng kinh tế, hoạt động xuất - nhập khẩu cần được tiến hành theo mô hình bền vững, cân đối giữa chiều rộng và chiều sâu.

Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp không nên chỉ chú trọng tăng quy mô xuất khẩu mà còn cần đẩy mạnh chất lượng sản phẩm, nhằm đáp ứng nhu cầu lâu dài cho người sử dụng và đáp ứng tiêu chuẩn cạnh tranh ở các thị trường lớn.

Bên cạnh đó, Bộ Công thương và các cơ quan ban ngành cần phối hợp chặt chẽ để hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời để gỡ rối, xóa đi rào cản trong quá trình tham gia các hiệp định quốc tế hoặc mở rộng thị trường sang các khu vực mới.

Đồng thời, Nhà nước cần chú trọng đầu tư và thúc đẩy năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp quốc nội, thị trường tiêu thụ nội địa. Đây là động lực chính quyết định sự bền vững của nền kinh tế, làm giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng bên ngoài.

Các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tự chủ về vốn, kỹ thuật công nghiệp đều cần được tiến hành sâu rộng để tăng tỷ trọng xuất khẩu của khối doanh nghiệp nội địa.

LỜI KẾT

Bài viết trên đây của Wikihoidap.org đã giải thích rõ các thông tin cơ bản về xuất siêu, đồng thời mang đến bức tranh tổng quan về cán cân xuất nhập khẩu Việt Nam. Hi vọng rằng những kiến thức trên sẽ hữu ích trong quá trình học tập và kiếm tìm tri thức của bạn.