Ăn chay là gì? Ý nghĩa xu hướng ăn chay trong lối sống hiện đại

Trong xã hội hiện đại ngày nay, có một xu hướng ngày càng trở nên phổ biến trong đời sống đó là ăn chay, ăn chay ngày nay không còn phân biệt tôn giáo hay sắc tộc, mà chỉ đơn giản là vì sức khỏe, vì môi trường và còn nhiều lý do khác. Trong bài viết dưới đây, chúng ta sẽ tìm hiểu rõ hơn ăn chay là gì? Và việc ăn chay giúp gì cho chúng ta?

Ăn chay là gì?

Ăn chay (hay còn gọi là trai giới) là một chế độ ăn uống chỉ gồm những thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật (trái cây, rau quả, vv..), có hoặc không ăn những sản phẩm từ sữa, trứng hoặc mật ong, bơ, phô mai, kem, đạm váng sữa, hoàn toàn không sử dụng các loại thịt (thịt đỏ, thịt gia cầm và hải sản, côn trùng) và kiêng ăn các thực phẩm có được từ quá trình giết mổ (như chả, giò, mắm, ruốc, thịt chân giò...). Việc ăn chay có thể do nhiều lý do khác nhau: lý do đạo đức, y tế, tôn giáo, chính trị, môi trường, văn hóa, thẩm mỹ, kinh tế, sức khỏe. Ở Ấn Độ ước tính khoảng 40% dân số là những người ăn chay.

Các trường phái ăn chay

  • Ăn chay tuyệt đối (vegan): là trường phái ăn chay hoàn toàn không sử dụng bất cứ đồ gì từ động vật, bao gồm không ăn cả mật ong, sữa, trứng, phomat… và những sản phẩm làm từ trứng và sữa có nguồn gốc động vật.
  • Ăn chay có trứng (ovo vegetarian): là không ăn các thực phẩm từ động vật, không ăn các sản phẩm từ sữa nhưng có ăn trứng.
  • Ăn chay có sữa (lacto vegetarian): là không ăn các thực phẩm từ động vật, không ăn trứng và có thể ăn các sản phẩm từ sữa
  • Ăn chay có trứng sữa (ovo-lacto vegetarian): là trường phái ăn chay cũng không sử dụng các thực phẩm từ động vật, nhưng có thể ăn trứng, sữa và các sản phẩm làm từ trứng, sữa. Thông thường những người theo trường phái này là nhóm nhân đạo phản đối việc sát hại động vật, đồng thời họ cũng sẽ không dùng các sản phẩm từ động vật như áo lông thú, đồ da…
  • Ăn chay kiêng thịt động vật bốn chân: là một trường phái chủ yếu phổ biến ở Nhật Bản và phương Tây, người theo trường phái này sẽ không ăn thịt động vật bốn chân, hiếm khi sử dụng thịt gia cầm, nhưng họ vẫn ăn cá và các nguồn thực phẩm từ biển. Bởi theo quan điểm của Nhật thì hải sản được xem như thực vật, tại Pháp còn có quan điểm hải sản là hoa quả của biển.
  • Ăn chay theo Phật giáo đại thừa: ăn chay đúng cách theo đạo Phật cũng tương tự như ăn chay vegan, họ không sử dụng bất cứ sản phẩm nào từ động vật, cộng thêm không dùng một số loại rau trong chi hành có mùi đặc trưng như: hành, tỏi, hẹ…  

Các hình thức ăn chay

Theo quan điểm của phật giáo, có hai hình thức đó là ăn chay trường và ăn chay kỳ.

+ Ăn chay kỳ : là hình thức khởi sự ăn chay, dung hòa với điều kiện của mình dựa theo những ngày nhất định trong tháng hoặc các tháng nhất định trong năm mà người áp dụng sẽ có thể tự phát nguyện ăn lạt theo những kỳ nhất định mà mình tự đặt ra.

+ Ăn chay trường: là hình thức ăn lạt kéo dài liên tục có thể là suốt đời. Thực hiện hình thức này người ăn không áp dụng xen kẽ với những bữa ăn mặn, loại bỏ hoàn toàn sản phẩm từ thịt, động vật.

Ăn chay thế nào cho đúng cách và giữ sức khỏe

Một người trưởng thành tiêu thụ trung bình mỗi ngày khoảng 2.000 calorie. Vì vậy, tỷ lệ các nhóm thực phẩm tinh bột - đạm - đường - béo - xơ trong khẩu phần của người ăn chay đúng cách phải được cân bằng nhằm cung cấp đủ dưỡng chất cho cơ thể. Một phần ăn chay đầy đủ thường bao gồm ngũ cốc nguyên hạt (tinh bột), các loại đậu (đạm thực vật), rau xanh (chất xơ và vitamin), trái cây tươi, sản phẩm bơ sữa, sữa chua... Các loại kem, chè ngọt không được khuyến khích trong thực đơn ăn chay lành mạnh vì chúng không chứa những dinh dưỡng có lợi cho cơ thể ngoài việc gây béo phì, tăng cân.

Nếu chỉ đơn thuần là ăn chay trường để giữ gìn sức khỏe và thanh lọc cơ thể thì cách ăn chay đúng đắn được nhiều lựa chọn là vẫn có trứng, sữa, chỉ tránh thịt, cá và các loại hải sản. Trứng gia cầm nhiều dưỡng chất, điển hình là trứng gà. Trong trứng gà và sữa có một lượng lớn vitamin A, D, E, B1, B6, B12,... Ngoài ra, còn phải kể đến canxi, magiê, sắt và kẽm. Bên cạnh đó, nguồn protein trong trứng rất dồi dào và chứa nhiều loại acid amin rất cần thiết cho hệ miễn dịch.

Thường xuyên thay đổi thực đơn

Không ai có thể ăn mãi một hai món từ ngày này sang ngày khác, khi ăn chay cũng vậy. Người ăn chay đúng cách phải linh hoạt thay đổi thực đơn theo ý thích hoặc theo mùa. Rau củ quả tươi trong năm, mùa nào thức nấy. Đó có thể là những món lẩu nấm thật thơm ngon, các món bún chả giò, phở chay, bánh canh, hủ tiếu chay, pizza, hamburger chay... 

Những lưu ý khi ăn chay

Trong chế độ ăn chay, thực phẩm chủ yếu dựa vào ngũ cốc, rau quả nên thường thiếu một số chất khoáng như sắt, kẽm, vitamin B12...   Cần chọn lựa, phối hợp thực phẩm và bổ sung các vitamin, chất khoáng một cách hợp lý để không bị thiếu các acid amin thiết yếu, vitamin B12, năng lượng, kẽm, sắt.

Tránh thiếu máu do thiếu sắt bằng cách ăn nhiều rau quả (đặc biệt là cam, chanh, dưa đỏ, ớt, cà chua, bông cải xanh...). Rau quả có nhiều vitamin C, giúp tăng cường hấp thu sắt và lấn át cả tác dụng ngăn cản hấp thu sắt của acid phytic, acid oxalic, acid tannic...

Ý nghĩa của việc ăn chay

Ý nghĩa của ăn chay theo góc nhìn khoa học

Theo các công trình nghiên cứu khoa học cũng như y khoa phân tích sinh hóa, sinh lý học đã khẳng định rằng trai giới giúp mang lại cho con người có sức khỏe tốt hơn, những bệnh nhân về tim mạch, ung thư sẽ sống lâu hơn những người ăn thịt.

Ý nghĩa của ăn chay theo góc nhìn phật giáo

Ăn chay là lối ăn uống đơn giản đồng thời cũng là một phương tiện để con người tu sửa. Với người tu hành trước tiên là giảm bớt lòng tham, ham muốn trong ăn uống, giảm bớt bản ngã của con người quay về với sự đơn giản khiêm nhường trong ăn uống.

Lợi ích của việc ăn chay

Giảm nguy cơ béo phì : Thức ăn từ thực vật thường có rất ít chất béo. Năng lượng do rau trái cung cấp chỉ đủ dùng cho cơ thể mà không có dư thừa để tích trữ dưới dạng mỡ béo nên giúp người ăn chay ít mắc các nguy cơ dẫn tới béo phì hay tích tụ mỡ thừa trong cơ thể.

Giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch: Hầu hết các loại thực vật đều không có cholesterol và chất béo bão hòa, vì vậy tỉ lệ cholesterol trong máu người ăn chay thường ít bị cao có với người ăn thức ăn động vật. Nhiều nghiên cứu cho hay, nếu giảm cholesterol trong máu xuống 10% thì nguy cơ bệnh động mạch vành sẽ giảm đến 30%.

Ít bị rối loạn tiêu hóa: Ăn rau trái đã được chứng minh là rất tốt để không bị táo bón cũng như các bệnh đường ruột do chất xơ trong rau trái hút nhiều nước, giúp cho phần lớn, mềm, dễ dàng cho việc đại tiện, đồng thời lại kéo theo chất cặn bã độc trong ruột già để thải ra ngoài.

Giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư: Đã có nhiều chứng minh là việc ăn uống có nhiều liên hệ nhân quả với các loại ung thư. Tỷ lệ mắc bệnh ung thư ở người ăn thịt động vật cao hơn so với ở những người ăn nhiều rau trái hoặc ăn chay. Tỷ lệ tử vong vì ung thư cũng cao hơn ở người ăn nhiều thịt đỏ (là các loại thịt heo, bò, cừu… có màu đỏ, khác với thịt trắng là các loại thịt gà, vịt…).

Giúp tĩnh tâm: Ăn chay giúp bạn cảm thấy tâm trí thư thái, ít có ham muốn cạnh tranh, ganh đua, tâm hồn sẽ trở nên hiền hòa và yên bình hơn.

Bảo vệ môi trường: Không giết hại các loài động vật là một cách bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên, góp phần củng cố tính bền của môi trường sống.